Nhật Bản tăng cường sức mạnh đổ bộ

27/11/2012 04:00 GMT+7

Nhật Bản vừa công bố kế hoạch tăng cường lực lượng đổ bộ giữa lúc nước này đang căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền.

Mới đây, tạp chí quốc phòng Jane’s Defense Weekly (JDW) dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố kế hoạch trang bị khẩn cấp 4 xe chuyên dụng tấn công đổ bộ (AAV) cỡ lớn. Thông báo trên được đưa ra sau khi lực lượng phòng vệ Nhật và lính thủy đánh bộ Mỹ vừa tiến hành tập trận đổ bộ chung hồi cuối tháng 9. Dường như, sau khi nhận thấy hiệu quả thực tế của các AAV trong cuộc tập trận trên nên Nhật Bản sẽ mua loại khí tài tương tự.

Theo tờ JDW, Tokyo có thể mua dòng xe tấn công đổ bộ AAV-7A1 hiện đang đóng vai trò chủ lực đối với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Mỗi chiếc AAV-71 không chỉ được trang bị súng máy và pháo tự động, mà còn chở theo vài tiểu đội để xuất phát từ các tàu đổ bộ rồi tấn công chiếm đảo. Theo giới quan sát, số AAV mới sẽ giúp Tokyo dễ dàng triển khai khẩn cấp một lực lượng hùng hậu để phòng ngừa trường hợp các đảo Nhật Bản bị tấn công. Ngoài ra, Tokyo cũng đang lên kế hoạch nâng cấp 16 - 22 tàu chuyên dụng, ngay trong năm tài chính 2013, dành cho lực lượng lính thủy đánh bộ cùng với việc tăng cường hệ thống radar, do thám trị giá nhiều chục triệu USD.

Quan trọng hơn, Nhật Bản còn đang cấp tập hoàn thành tàu đổ bộ 22DDH có thể mang theo máy bay trực thăng. Đây là thế hệ kế tiếp của lớp tàu đổ bộ Hyuga mà Tokyo đang sở hữu 2 chiếc. Dự kiến, Tokyo sẽ chính thức biên chế chiếc 22DDH đầu tiên vào năm 2015 sau khi hạ thủy hồi đầu năm nay. Về danh nghĩa, đây là tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng.

Tuy nhiên, 22DDH thực tế có chiều dài đến 248 m, chẳng kém hơn bao nhiêu so với con số 261 m của tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle sử dụng năng lượng hạt nhân. Với chiều dài trên, các loại chiến đấu cơ cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B hay F-35C có thể được triển khai trên 22DDH. Xa hơn, nhiều nguồn tin quân sự khẳng định Tokyo đang xúc tiến quá trình chế tạo chiếc 22DDH thứ 2 và dự kiến sẽ được biên chế vào năm 2017.

Tự sản xuất chiến đấu cơ F-35A

Thời gian qua, Nhật Bản cũng cấp tập phát triển lực lượng không quân bằng nhiều dự án và kế hoạch khác nhau. Giữa tháng này, tạp chí JDW dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật cho hay nước này và Mỹ đang thương thuyết để Tokyo nhận bản quyền tự chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35. Dự kiến, thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được ngay trong năm 2012. Hồi tháng 12.2011, Nhật Bản đồng ý mua 4 chiếc F-35A và đơn hàng dự kiến được giao từ năm 2016. Nếu như Washington và Tokyo chính thức thông qua thỏa thuận trên vào cuối năm nay, Nhật có thể bắt đầu tham gia chế tạo chiến đấu cơ F-35A từ năm tài chính 2013.

Theo đó, 3 công ty Nhật là Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI), Công ty công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima (IHI) và Công ty điện tử Misubishi sẽ đảm nhiệm khoảng 40% việc sản xuất F-35A, tương đương 300 bộ phận cấu thành của chiến đấu cơ này. Đây được xem là một trong những nỗ lực quan trọng của Tokyo nhằm đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa Nhật Bản. Đồng thời, máy bay F-35 cũng đóng vai trò then chốt của chương trình hiện đại hóa không quân mà Tokyo đang theo đuổi. Sau khi được trang bị F-35, Nhật Bản sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5.

Xa hơn, thỏa thuận mua bản quyền F-35A có thể giúp Nhật tiến tới tự chế tạo cả phiên bản F-35B và F-35C. Đặc trưng của hai phiên bản này là khoảng cách cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên có thể biên chế cho các tàu đổ bộ cỡ lớn, điển hình như loại 22DDH mà Nhật Bản đang sở hữu. Khi đó, sức mạnh tấn công đổ bộ của Tokyo sẽ tăng lên đáng kể.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.