CPI và xuất siêu

26/11/2012 03:55 GMT+7

Những ngày cuối cùng của tháng 11 đang trôi qua với hai thông tin đáng để suy ngẫm. Đó là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ bằng một nửa so với tháng 10; và kết thúc 11 tháng, chúng ta xuất siêu 14 triệu USD.

Cả hai điều trên là mục tiêu kinh tế của chúng ta nhiều năm nay nhưng tại thời điểm này nó lại cho thấy, nồi cơm của người dân và sức sống của doanh nghiệp đang ngày một khó hơn. Đầu tiên là CPI, theo thống kê thì mức tăng thấp đột biến nói trên, từ năm 1999 tới nay mới gặp lại. Bởi thông thường, CPI tháng 11 thường tăng cao gấp đôi so với tháng 10 vì đây là thời điểm cận tết, chi tiêu của người dân cũng như doanh nghiệp đều nhiều hơn. Nhưng năm nay thì ngược lại, tốc độ tăng của tháng 11 giảm gần một nửa so với tháng 10. Nguyên nhân chính là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm gần 0,1% so với tháng trước vì các mặt hàng thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn, đã giảm 0,21%. Con số trên cho thấy chi tiêu của người dân cho vấn đề ăn uống đã giảm mạnh. Cũng có nghĩa chất lượng cuộc sống bị giảm theo. Một điều đáng nói nữa trong cơ cấu CPI tháng này là dịch vụ y tế, giáo dục... cũng giảm mạnh so với những tháng trước. Đáng nói là giá các dịch vụ này mới tăng khá mạnh trước đó. Như vậy, chi tiêu cho sức khỏe, cho học hành của người dân cũng đã bị "teo lại". Cũng có nghĩa là, thu nhập của nhiều gia đình đã giảm xuống, họ buộc phải cắt xén cả phần chi tiêu cho ăn uống, khám bệnh và giao dịch. CPI giảm, nhưng đáng lo.

Tương tự, sự đảo chiều trong cán cân thương mại, từ nhập siêu sang xuất siêu của ta cũng lo nhiều hơn mừng. Bởi xuất siêu của ta chủ yếu là do giảm nhập chứ không phải do khả năng cạnh tranh tăng cao. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11 có hai nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch vượt 10 tỉ USD là dệt may với 13,78 tỉ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,4 tỉ USD, cả hai đều là những nhóm ngành gia công, giá trị gia tăng thấp. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị xuất khẩu của họ đạt gần 58 tỉ USD, tương đương khoảng 56% tổng kim ngạch. Trong khi đầu vào xưa nay chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước nhập nguyên vật liệu, máy móc lại giảm. Với một nền kinh tế phụ thuộc gần như 100% vào nguyên liệu nhập khẩu, việc đầu vào giảm cho thấy, sản xuất vẫn đang đình trệ và thu hẹp, "sức khỏe" của các doanh nghiệp nội địa tiếp tục bị kiệt quệ và đe dọa.

Đáng nói là sau hàng loạt chương trình kích cầu kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì kết quả thực sự, lại không như mong muốn. Tại sao vậy? Có hai lý giải, hoặc là các chương trình này chưa đủ cả về lượng và chất hoặc chưa đến được tay người dân và doanh nghiệp. Vì lý do gì, cũng nên làm rõ. Quan trọng hơn, cần phải tiếp tục có những giải pháp kích thích sức mua thiết thực hơn. Chẳng hạn thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2013 như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề xuất để tăng thu nhập cho người dân. Khuyến khích họ tăng chi tiêu và cũng là sự chia sẻ của Chính phủ khi việc tăng lương, đã không được thực hiện như kế hoạch. Về phía doanh nghiệp, phải có chính sách lãi suất cho vay thấp hơn, có giải pháp thiết thực hơn để họ tiếp cận được giá vốn phù hợp hơn. Nếu không, tình trạng thu hẹp và phá sản sẽ còn tiếp tục.

Nên mới nói, tín hiệu mừng nhưng không vui là thế.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.