Con đường cà phê Việt

27/11/2012 07:00 GMT+7

Việt Nam hiện đã vươn lên hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản phẩm, đứng đầu là lúa gạo, cà phê, kế tiếp là hạt tiêu, hạt điều, cao su… bên cạnh đó là những tiềm năng phong phú về dược liệu và sản vật quý hiếm của rừng nhiệt đới, sông ngòi, vùng ngập mặn, và duyên hải trên 3.000 km nước ấm quanh năm và đủ loại cây con hải sản.

Như vậy, con đường vượt ra thế giới và phát triển đất nước không phải là công nghiệp nặng hoặc công nghiệp điện tử thông tin như những quốc gia con rồng châu Á - mà là con đường nông nghiệp - thế mạnh ngàn đời của Việt Nam.

Cà phê là sản phẩm tiêu biểu và kỳ diệu nhất của sự đổi đời mang tính cách mạng này. So với nhiều quốc gia khác thì Việt Nam tiếp cận với cây cà phê khá muộn (được trồng đại trà ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20) trong những đồn điền và những thửa đất tư nhân, chủ yếu là ở Tây nguyên. Đến nay diện tích đó đã được mở rộng tới gần nửa triệu hecta.

Vì sao trong một thời gian ngắn ngủi, chỉ trong một thế hệ mà Việt Nam đạt được thành tích đó? Câu trả lời nằm ở sự kiên gan bền chí và chăm chỉ lao động canh tác và chăm sóc tương đối bột phát của chính người nông dân Việt Nam, trong đó sự đóng góp của các đồng bào sắc tộc ở Tây nguyên, và sự tham gia của phụ nữ là hoàn toàn thiết yếu.

Trong sự thiếu thốn về vốn liếng, tổ chức, trong sự non nớt về kiến thức khoa học kỹ thuật, và không có mấy hỗ trợ từ trang thiết bị cơ giới về mọi mặt từ phân bón, tưới tiêu, đến thu gom, phơi phóng, dự trữ, bảo quản… người nông dân Việt Nam đã vượt qua các trở ngại để vun quén cho cây cà phê như vườn nhà, cùng lúc nâng cao mức sinh hoạt gia đình sẽ góp phần đưa thu hoạch cà phê thành nguồn kinh tế chiến lược hàng đầu song song với lúa gạo, góp phần tạo nên bộ mặt mới của Việt Nam với thế giới.

 

Trong hàng chục năm, thế giới biết đến đất nước Việt Nam là qua những chiến trận đẫm máu và trường kỳ với các thế lực thực dân và đế quốc toàn cầu. Còn bây giờ Việt Nam xuất hiện với hình ảnh hiền hòa của một nước dân số trẻ, 70% dân số còn sống về nông nghiệp, với những phong cảnh từ miền núi đến miền biển đẹp tuyệt vời cho khách du lịch bốn phương và những sản phẩm thiết yếu như lúa gạo, cà phê, tôm cá…

Lúa gạo Việt Nam đến với dân chúng các nước châu Á, châu Phi và cà phê Việt Nam đến với gần 60 nước trên toàn cầu là những mậu dịch đem lại ấm no cho đất nước và là nền tảng cho những cuộc đổi mới để làm bàn đạp cho những cuộc cách mạng công nghệ và thông tin đang diễn ra từ hạ tầng kiến thiết cơ sở đến thượng tầng kiến trúc cho sự cất cánh phát triển bền vững.

Nằm ở trung tâm khu vực châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á với sức tăng trưởng cao nhất thế giới, Việt Nam qua quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, qua những phấn đấu kiên cường để dành tự chủ và độc lập đối kháng với những thế lực bá quyền và đế quốc đã và đang là tấm gương sáng cho nhiều quốc gia đang phát triển và phi liên kết từ sau kết thúc Thế chiến 2.

Với tinh thần sống chung bao dung từ trong cộng đồng 54 dân tộc trong nước với sự hoà mình hội nhập với hằng trăm quốc gia trên thế giới hiện nay, Việt Nam với dân số gần 100 triệu ở vào vị trí đặc biệt để có thể giao lưu với quốc tế.

Tách cà phê hòa bình chính là hình ảnh đẹp của một sự bắt tay với mọi dân tộc và văn hoá anh chị em trong sân chơi thế giới và trong bàn tiệc loài người. (Còn tiếp)

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.