Dân khu vực động đất trả nhà tái định cư

25/11/2012 03:05 GMT+7

Số hộ dân bỏ nhà tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 tại 2 xã Trà Bui và Trà Đốc (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) vẫn không ngừng tăng lên. Nếu “làn sóng” này không sớm được lắng xuống, chính sách tái định cư cho người dân ở đây sẽ thất bại.

Bỏ nhà, vào rừng

Ông Đinh Văn Minh, trưởng thôn 3, xã Trà Đốc cho biết, ít nhất có 20 hộ dân trú tại khu tái định cư (TĐC) trong thôn đã có đơn gửi chính quyền địa phương xin bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2. Tức là, họ sẽ trả lại nhà, đất vườn để vào rừng sinh sống. Nhiều hộ khác cũng đang có ý định bỏ khu TĐC để tìm đất sản xuất nông nghiệp”, ông Minh nói.

 Dân khu vực động đất trả nhà tái định cư
Không có nước, người dân phải kéo nhau xuống đám ruộng để lấy nước tắm, giặt - Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 2005, để dành quỹ đất xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, 834 hộ dân tại Bắc Trà My phải TĐC vào 11 khu thuộc 3 xã: Trà Giác (1 khu), Trà Đốc (7 khu), Trà Bui (3 khu). Tuy nhiên, sau nhiều năm người dân chuyển về sinh sống, họ vẫn chưa nhận được số đất cần thiết để trồng trọt, nguồn nước sinh hoạt thì thiếu trầm trọng. Bà Hồ Thị Đương (40 tuổi) nói: “Mỗi ngày, người trong thôn phải đi gần 2 cây số để lấy nước về uống. Còn nước để tắm, giặt, tôi thường tận dụng nước ở các... thửa ruộng”. Với lý do như vậy, hiện đã có 38 hộ dân (24 hộ xã Trà Đốc, 14 hộ xã Trà Bui) bỏ nhà vào rừng sinh sống.

Điều đáng nói, đầu năm 2012 con số này chỉ trên dưới 20 hộ dân tập trung tại các khu TĐC Trà Đốc thì đến nay đã tăng gần gấp đôi và “lan đến” xã Trà Bui. Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, lo lắng: “Người dân trong các khu TĐC đã quá khổ sở vì thiếu đất, thiếu nước. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc người dân kéo nhau vào rừng là điều không thể tránh khỏi. Trong các cuộc họp, tôi đã thẳng thắn đề xuất, các bên liên quan đã hứa làm đường, làm giếng nước, cấp đất... cho dân thì phải làm, đừng nói suông”.

 

Người dân trong các khu TĐC đã quá khổ sở vì thiếu đất, thiếu nước. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc người dân kéo nhau vào rừng là điều không thể tránh khỏi 

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc

Không có đất sản xuất, nhiều người dân tại các khu TĐC đã đổ xô vào rừng phát nương, làm rẫy. Ông Nguyễn Tuấn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Bắc Trà My cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 19 vụ phá rừng làm rẫy. “So với năm ngoái, năm nay, diện tích rừng cũng như các vụ phá rừng đều tăng lên”, ông Sơn nói.

Lãng phí

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó chủ tịch Hội đồng đền bù, hỗ trợ và TĐC thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, nhà dân TĐC được xây dựng theo 3 mức khác nhau tùy vào số nhân khẩu mỗi hộ; thấp nhất 76 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng. Do 38 hộ dân đã bỏ hoang nhà cửa để đi nơi khác nên gây lãng phí hàng trăm triệu đồng tiền xây dựng.

Theo thống kê của UBND H.Bắc Trà My, do động đất liên tục xảy ra, tại địa phương này đã có hàng trăm ngôi nhà bị nứt nẻ.

Để giải quyết tình trạng trên, được biết mới đây, phía Tập đoàn điện lực Việt Nam đã bố trí vốn để nâng cấp đường sá cho các khu TĐC, đồng thời đào mới bổ sung thêm 3 giếng nước. Chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện, khắc phục những vấn đề gây bức xúc cho các hộ TĐC. 

Hoàng Sơn

>> Động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2: Chưa cho tích nước, để tính tiếp
>> Có thể vĩnh viễn không tích nước thủy điện Sông Tranh 2
>> Khánh thành trạm quan trắc động đất tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Bàn cách ứng phó động đất ở thủy điện sông Tranh 2
>> Lại động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.