Căng thẳng tại thủ đô Bangkok

24/11/2012 03:15 GMT+7

Không khí thủ đô Bangkok đang vô cùng căng thẳng trước cuộc biểu tình của phe chống đối và thông tin về âm mưu bắt cóc Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Cuộc biểu tình được dự báo là “lớn chưa từng có” ở Thái Lan bắt đầu vào hôm nay (24.11) do nhóm Pitak Siam tổ chức. Đây là một nhóm chống chính phủ mới nổi lên tại Thái Lan gần đây do tướng về hưu Boonlert Kaewprasit, còn có biệt danh Seh Ai, cầm đầu. Hồi đầu tháng 11, ông này đã huy động được hơn 20.000 người biểu tình ở một sân vận động tại Bangkok. Cuộc biểu tình hôm nay dự kiến kéo dài trong 2 ngày ở Royal Plaza, gần tòa nhà quốc hội và trụ sở chính phủ.

Nhóm Pitak Siam tuyên bố sẽ có “khoảng 500.000 người” tham gia biểu tình ôn hòa với yêu sách bài trừ tham nhũng, khắc phục nhiều yếu kém trong chính phủ của đảng Puea Thai và Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, có thông tin rằng cơ quan tình báo Thái Lan lo ngại sẽ xảy ra bạo động, thậm chí một nhóm người đã lên kế hoạch bắt cóc bà Yingluck và tiến hành đảo chính. Lâu nay, ông Seh Ai cũng không giấu ý định rằng nếu giành được chính quyền, nhóm của ông sẽ “đóng cửa” và đưa nước Thái trở về thời chuyên chế trong vòng 5 năm trước khi tổ chức bầu cử mới.

Thủ tướng Yingluck tối 22.11 đã lên truyền hình quốc gia để ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 3 quận trung tâm hành chính từ 22-30.11. “Với tư cách thủ tướng, tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, các tổ chức. Tuy nhiên nếu lợi dụng biểu tình để lật đổ chính phủ dân cử là vi hiến, buộc chính phủ phải áp dụng tình trạng an ninh khẩn cấp”, bà phát biểu. Động thái này cho phép lực lượng an ninh và cảnh sát đặc biệt kiểm tra, khám xét và bắt giữ bất kỳ cá nhân nào trong khu vực nói trên. Trước đó, chính phủ Thái đã triệu tập đại sứ các nước đến để thông báo tình hình. Đến nay, đã có hàng chục ngàn cảnh sát được triển khai tại Bangkok.

Bên cạnh đó, cuộc biểu tình xảy ra cùng thời điểm hạ viện Thái nhóm họp với nội dung quan trọng là chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Yingluck. Giới chức Thái Lan đã cho xây đường cầu thoát hiểm và chuẩn bị phương án dùng trực thăng giải cứu các nghị sĩ và thành viên chính phủ nếu bị người biểu tình bao vây.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, Giáo sư Le Dihocvihayarat cho rằng nhóm Pitak Siam khó có thể huy động lượng người như tuyên bố. “Mặc dù vậy, 40.000-50.000 người biểu tình cũng là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình hình đang nằm trong vòng kiểm soát của chính phủ và khó có thể xảy ra lật đổ”, ông nói. Ngược lại, một người gốc Việt giấu tên ở tỉnh Chonburi bày tỏ lo ngại biểu tình có thể có diễn biến như cuộc biểu tình hồi năm 2006 của phe áo vàng, đánh chiếm sân bay và lật đổ ông Thaksin Shinawatra hoặc xảy ra bạo động chết người như biểu tình chống Thủ tướng Abhisit Vejjajiva năm 2010 của phe áo đỏ.

Minh Quang
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.