Cảnh sát biển Việt Nam bắt 11 hải tặc

23/11/2012 03:20 GMT+7

Khoảng 20 giờ 45 ngày 22.11, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 3 đưa 11 nghi can tổ chức cướp tàu chở dầu ZAFIRAH (quốc tịch Malaysia) vào bờ tại P.11, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu). Ngay sau đó, các nghi can này được Cảnh sát biển bàn giao Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp tục điều tra làm rõ. Sáng nay, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 3 cũng đưa tàu bị cướp vào bờ.

 Thuyền trưởng tàu Zafirah (trái) cùng lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Thuyền trưởng tàu Zafirah (trái) cùng lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh: Nguyễn Long

Trước đó, nhận được tin báo cướp, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã lệnh cho Cảnh sát biển Vùng 3 triển khai 2 biên đội tàu 6007, 9001, 4034 và 4031, 2011 tổ chức truy tìm. Đến 2 giờ 20 ngày 22.11, biên đội tàu cảnh sát biển 4031, 4034 phát hiện tàu Zafirah đang trong lãnh hải Việt Nam, liền lập tức triển khai khống chế, yêu cầu những người trên tàu thả neo. Lúc 11 giờ cùng ngày, thuyền trưởng, thuyền phó và máy trưởng tàu Zafirah được đưa ra vị trí tàu Zafirah neo đậu để nhận dạng tàu. Khi xác định được đúng tàu bị cướp, chiều cùng ngày, lực lượng Cảnh sát biển yêu cầu bọn cướp biển buông súng đầu hàng nhưng những người trên tàu vẫn cố thủ. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng Cảnh sát biển quyết định tấn công. Khoảng 50 phút sau, toàn bộ 11 tên cướp biển đã bị lực lượng Cảnh sát biển bắt gọn cùng vũ khí. Theo thông tin ban đầu, cả 11 người bị bắt đều mang quốc tịch Indonesia.

Khoảng 8 giờ 45 ngày 22.11, tại TP.Vũng Tàu, tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC) đã đưa 9 thủy thủ (5 Myanmar và 4 Indonesia) của tàu ZAFIRAH vào bờ an toàn.

Theo thuyền trưởng tàu Zafirah, ông Sann Winnaung (37 tuổi, quốc tịch Myanmar), vào lúc 3 giờ ngày 18.11, tàu đi từ cảng Pasir Guadang đến một cảng khác (đều thuộc Malaysia), khi đang đi ngang qua hải phận Indonesia thì bị cướp tấn công. “Những tên cướp này lên tàu của chúng tôi khoảng 12 người, đều có vũ khí là dao dài và súng ngắn. Sau khi khống chế, họ đưa chúng tôi nhốt vào cabin và chỉ cho một ít thức ăn”, vị thuyền trưởng này kể lại và cho biết: "Đến 21 giờ 30 ngày 20.11 thì họ ép tất cả thủy thủ trên tàu xuống xuồng cứu sinh". Chiếc xuồng này đã trôi dạt vào vùng biển Việt Nam, đến 6 giờ ngày 21.11 thì được 2 tàu cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là BV 91592 TS và BV 92350 TS cứu vớt. Sau đó, 2 tàu cá đã báo cho cơ quan chức năng đến đưa các thủy thủ vào đất liền.

Nguyễn Long

>> Hạ thủy tàu Cảnh sát biển đa năng 2000
>> Cảnh sát Biển bắt hai tàu mua bán 10.000 lít dầu trái phép
>> Bác bỏ thông tin tàu hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu Cảnh sát biển Việt Nam
>> Cảnh sát biển cứu 12 ngư dân gặp nạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.