Không thể là chuyện vặt

22/11/2012 03:40 GMT+7

Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” mà Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20.11 thật ra chẳng có gì mới. Nhưng nó được hoan nghênh bởi một lẽ, đó là chuyện mà ai cũng biết là chuyện gì nhưng chẳng ai nói ra.

Với hơn 2.600 người dân, hơn 1.000 doanh nghiệp và hơn 1.800 cán bộ công chức tham gia cuộc khảo sát thì kết quả có được không thể gọi là toàn diện nhưng nó cho thấy sự cảm nhận của các nhóm dân cư về mức độ phổ biến, cũng như hình thức tham nhũng ở VN tương đối chính xác. Giả dụ như, top 5 nhóm ngành/lĩnh vực có tham nhũng nhất trong cuộc khảo sát năm 2005 (địa chính - nhà đất, hải quan, cảnh sát giao thông, tài chính công và thuế, quản lý xây dựng) vẫn tiếp tục có mặt trong top 5 khảo sát năm 2012, trừ nhóm tài chính công và thuế. Nhóm tài chính công và thuế ra khỏi top 5 theo cảm nhận năm 2012 (thay vào đó là giao thông/quản lý khoáng sản), cũng phù hợp với những cải thiện đáng kể về thủ tục của nhóm ngành này thời gian qua.

Tham nhũng, trong khảo sát được hiểu không phải số tiền lớn, hàng chục, hàng trăm tỉ đồng như ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng mà là các chi phí phi chính thức mà người dân, doanh nghiệp phải trả khi tiếp cận dịch vụ công, trong mối quan hệ nhà nước - công dân. Chẳng hạn, trong khi pháp luật chỉ coi tình huống thẩm phán nhận tiền, quà của đương sự trước khi xét xử là hành vi tham nhũng, thì hơn 77% doanh nghiệp, gần 69% người dân và hơn 68% cán bộ công chức được hỏi cho rằng công chức nhận quà của doanh nghiệp có giá trị 10 triệu đồng nhân dịp sinh nhật là tham nhũng.

Những nguyên nhân gây ra tham nhũng theo kết quả khảo sát mới là điều đáng suy ngẫm. Trong số 16 nguyên nhân thường được đề cập trong nhiều báo cáo của Chính phủ, kết quả khảo sát cho thấy nguyên nhân đứng đầu là “không xử lý nghiêm minh đối với người tham nhũng” (với 88,7% người dân, 90% doanh nghiệp và 91,2% cán bộ công chức chọn), cao hơn hẳn các nguyên nhân như “cán bộ nhận tiền, quà biếu thành thói quen” hoặc “đưa tiền khi giải quyết công việc trở thành thói quen của người dân”.

Như vậy yêu cầu về thái độ xử lý của nhà nước đối với hành vi tham nhũng là quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề tham nhũng. Nếu tính riêng từng vụ, một cá nhân hay nhóm người nhận tiền hối lộ, sẽ không lớn, nhưng tổng cộng tất cả các vụ nhận tiền khắp cả nước trong một ngày chắc chắn là không nhỏ, tính cả năm sẽ khổng lồ. Cho nên, tham nhũng vặt mà hậu quả chẳng vặt.

Cán bộ công chức nhận tiền hối lộ của dân hằng ngày là đục khoét niềm tin của dân đối với nhà nước. Niềm tin của dân không thể là chuyện vặt...

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.