Chuột hoành hành chung cư, ký túc xá

21/11/2012 03:05 GMT+7

Chung cư cũ, ký túc xá, khu dân cư đông đúc... là những nơi chuột cống, chuột nhắt tung hoành, khiến nhiều hộ dân và sinh viên thấy lo, khi có người nhiễm vi rút gây suy thận.

Tại chung cư Cô Giang (P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM) có thể dễ dàng bắt gặp cảnh chuột cống rất lì, chạy dọc ngang ở các lối đi, tại các bô rác và những căn phòng bỏ không. Chị H. (41 tuổi), ngụ tại tầng trệt của chung cư, cho hay vì chung cư cũ, bị bỏ bê (do sắp giải tỏa) nên chuột cứ mặc sức tung hoành. “Chúng còn leo theo đường dây điện chạy qua cửa sổ để vào các hộ dân. Nhiều người đặt bẫy chuột thường xuyên nhưng không ăn thua. Tại các phòng người ta dọn đi rồi, chuột vào làm ổ trong đó, đến tối lại chui ra ngoài tung hoành. Mỗi khi nghe… mùi chuột là cả nhà tôi lục khắp nơi để truy cho ra, chứ thấy mất vệ sinh khủng khiếp quá!”, chị H. nói. Theo chị H., qua đọc báo biết chuột mang mầm vi rút nguy hiểm nên nhiều người rất lo lắng.

 Chuột hoành hành chung cư, ký túc xá
Nhân viên cơ quan y tế truy quét chuột - Ảnh: Nguyên Mi

Nhiều chung cư khác cũng gặp tình cảnh nhiều chuột. Chung cư cũ 38 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, nhiều người dù ở tận lầu trên cùng (lầu 6), nhưng vẫn bị chuột cống tấn công vào nhà. Chuột ở đây chui vào cả phòng ngủ, tủ quần áo, tủ đựng thức ăn, đồ đạc. N.Thân (26 tuổi), ở lầu 6, cho biết ngoài chung cư cũ, bừa bộn, bên cạnh còn có tòa nhà cao tầng xây dở dang, bỏ hoang nên chuột rất nhiều. Đêm xuống, chuột tấn công sang chung cư, có đuổi hoài cũng không hết!

Còn N.Phương (22 tuổi, sinh viên ở ký túc xá 135B Trần Hưng Đạo, Q.1) nhiều lần phát hoảng vì chuột bò ngang qua chân trong lúc đang ngồi học bài. Không những thế, còn có những lúc Phương phát khóc vì nằm ngủ trên giường mà chuột bò ngang qua mặt! “Ký túc xá có phát động diệt chuột, đặt thuốc, giăng bẫy nhưng chuột rất lì và rất nhiều, khiến sinh viên rất... ớn”, Phương nói.  

Diệt bây giờ là đúng lúc

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho hay, trung tâm đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng quận huyện giám sát, phát hiện nơi nhiều chuột, để lên kế hoạch tiêu diệt chuột. Bác sĩ Thọ cho rằng, thời điểm hiện tại, việc diệt chuột là rất hợp lý. Bởi vì, diệt bây giờ nhằm giảm tối đa mật độ chuột, để đến mùa chúng sinh sản (thường tháng 4, tháng 5 hằng năm) sẽ giảm đáng kể lượng chuột mới phát sinh. Hơn nữa, mùa này lượng chuột ít hơn, nên khi diệt, chuột chết, nguy cơ lượng bọ chét sống trên chuột ra thoát môi trường cũng ít. “Việc tiêu diệt chuột trên diện rộng toàn cộng đồng thì rất khó, nhưng diệt ở từng khu vực hẹp thì khả thi. Những ngày này, người dân khi thấy khu vực nhà mình có nhiều chuột có thể báo ngay cho y tế dự phòng địa phương đến can thiệp liền”, bác sĩ Thọ nói.

Theo bác sĩ Thọ, những nơi chuột thường tập trung nhiều ở mức báo động là các chợ, bến xe, kho bãi, các dãy nhà trọ, dọc các con kênh… Còn chung cư nếu vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng thì sẽ không có nhiều chuột. “Mỗi gia đình cần gọn gàng, không bỏ rác, thức ăn bừa bãi thì chuột sẽ không có đất sống”, bác sĩ Thọ khuyến cáo.

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, trước trường hợp bệnh nhân 55 tuổi nhiễm vi  rút Hanta từ chuột gây suy thận, trung tâm và các đơn vị y tế dự phòng quận huyện đang chú tâm giám sát tình trạng mật độ chuột, để ra quân tiêu diệt kịp thời.

T.Tùng - HÀ Minh

>> Sinh nhật vui ở ký túc xá
>> Đà Nẵng: Nghiệm thu ký túc xá 8.000 chỗ
>> Giả phụ huynh đột nhập ký túc xá
>> Chuyển việc nhân viên ký túc xá đánh sinh viên
>> Xây thêm ký túc xá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.