Không chỉ là vinh danh

19/11/2012 03:00 GMT+7

Hầu hết mọi vụ án tham nhũng bị phanh phui đều xuất phát từ tố cáo của nhân dân, từ các vụ điển hình như vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ lấy đất tái định cư chia cho quan ở Đồ Sơn (Hải Phòng), PMU 18 đến những vụ tiêu cực ở một nhà máy, xí nghiệp. Nhưng ấn tượng ở các buổi vinh danh những người có thành tích chống tham nhũng là nước mắt, là nỗi truân chuyên của người trong cuộc.

Nhẹ thì bị gọi là “hâm”, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nặng thì mất cả tính mạng như anh Đặng Vũ Thắng chống tiêu cực tại Thảo cầm viên Sài Gòn (năm 2001).

Một điều tra xã hội học của Viện Khoa học xã hội VN năm 2011 cho thấy có hơn 53% số người trả lời cho biết có hiện tượng bị trả thù vì phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; gần 35% trả lời họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử; 20% số người trả lời họ bị xâm hại về lợi ích kinh tế, thân thể, sức khỏe...

Xét trên thực tế khi các công cụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ hầu như tê liệt trước hành vi tham nhũng, thì việc đảm bảo an toàn cho người tố cáo là yếu tố quyết định sự thành công của cuộc chiến chống tham nhũng ở ta. Bởi không chỉ sau những buổi vinh danh, mà ngay khi bắt đầu tố cáo tiêu cực, người tố cáo và cả người thân của họ đã phải đối mặt nguy cơ bị trù dập, trả thù, “bịt miệng” dưới nhiều hình thức. Nhiều người do chống tham nhũng mà cuộc sống bị đảo lộn, có người bị đánh trọng thương, có người mất việc làm, có người bị từ chối kết nạp Đảng vì có cha tố cáo tiêu cực, lại có người do mẹ tố cáo tham nhũng mà con bị mất việc làm...

Trong khi đó, việc bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng mới chỉ được quy định nguyên tắc trong bộ luật Tố tụng hình sự; luật Phòng, chống tham nhũng; luật Khiếu nại, luật tố cáo. Nghị định 76/2012/NĐ - quy định chi tiết một số điều của luật Tố cáo (có hiệu lực ngày 20.11.2012) quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nhưng lại chưa thành quy trình, thủ tục rõ ràng.

Ở nhiều nước, người tố cáo được bảo vệ theo một quy trình nghiêm ngặt. Bất kỳ khi nào phát hiện bằng chứng, dù nhỏ, về người bị tố cáo, họ sẽ thực hiện biện pháp cách ly đối tượng này ra khỏi xã hội. Việc này nhằm để người bị tố cáo không có điều kiện liên hệ với những người khác, không còn điều kiện để trả thù người tố cáo. Các cơ quan chức năng cũng có nhiệm vụ phải đảm bảo mọi quyền lợi về chính trị cũng như vị trí công tác, thu nhập của người tố cáo trước, trong và sau khi tố cáo. Ngoài ra, người được bảo vệ còn có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời.

Trách nhiệm nhà nước cũng còn là phải tạo ra tâm lý xã hội để người tố cáo tham nhũng không trở thành những người “đặc biệt”. Chống tiêu cực phải được coi là hành vi ứng xử tích cực, bình thường trong một xã hội văn minh.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.