Thái Lan giữa hai thế lực Mỹ - Trung

19/11/2012 04:00 GMT+7

Các lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc liên tục thăm Thái Lan nhằm đẩy mạnh quan hệ với nước này cũng như tăng cường vai trò trong khu vực.

Chiều qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Thái Lan trong chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày. Ông Obama đã viếng chùa Wat Po, một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok, nằm ngay cạnh Hoàng cung Thái Lan. Sau đó, Tổng thống Mỹ hội kiến nhà vua Bhumibol Adulyadej và có cuộc thảo luận kín với Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Mục tiêu của Mỹ hiện nay là nâng cấp quan hệ quân sự và đẩy mạnh hợp tác kinh tế - xã hội với Thái Lan, đồng minh lâu năm và có vai trò chiến lược về mặt quân sự, quốc phòng đối với Washington ở khu vực Đông Nam Á. Trước khi ông Obama đến nơi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến đi tiền trạm và hoàn thành nhiệm vụ khi ký kết với người đồng cấp Thái Lan Sukumpol Suwanatat chương trình Liên minh quân sự tầm nhìn mới. Theo đó, hai bên xác định lại quan hệ đồng minh quân sự mật thiết trong bối cảnh Washington đang hướng trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương. “Tạm xong” phần quân sự, mục tiêu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm là kêu gọi Thái Lan tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sân chơi kinh tế hiện chỉ có Mỹ là siêu cường duy nhất.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang ra sức củng cố quan hệ với Thái Lan. Theo dự kiến, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ đến Bangkok từ ngày 20-21.11, tức gần như ngay sau khi Tổng thống Mỹ rời khỏi Thái Lan. Chuyến đi của ông Ôn đặt trọng tâm hợp tác kinh tế với 2 nội dung chiến lược. Đó là Trung Quốc sẽ mua gạo của Thái Lan, có thể với số lượng lớn. Gạo là “vận mệnh”, là chính sách chiến lược của chính phủ đương nhiệm Thái Lan. Nội dung thứ hai là Trung Quốc sẽ tài trợ Thái Lan xây tàu điện cao tốc, dự án được cho là một cuộc cách mạng, giúp kinh tế nước này “đại nhảy vọt”.

Thật ra, về hợp tác quân sự, Trung Quốc đã có phần đi trước Mỹ. Tháng 4.2012, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukumpol cùng phái đoàn tướng lĩnh hùng hậu thăm Trung Quốc và hai bên đã ký kết chương trình hợp tác, theo đó Bắc Kinh sẽ cung cấp phương tiện quốc phòng và huấn luyện quân sự cho Bangkok.

 
Tổng thống Obama và Thủ tướng Yingluck  tham dự họp báo sau hội đàm tại Bangkok ngày 18.11 - Ảnh: AFP

Quân sự Mỹ, kinh tế Trung Quốc

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn của Khoa Kinh tế ĐH Thammasat (Thái Lan) cho biết các chuyến thăm của ông Obama và ông Ôn vào thời điểm này có ý nghĩa biểu trưng rất lớn, bởi họ đại diện cho 2 nước đang muốn gây ảnh hưởng trong vùng. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường quan hệ với Thái Lan vì cả hai đều không muốn bỏ qua vai trò của Bangkok trong khu vực cũng như trong ASEAN”, tiến sĩ Aksornsri nhận định.

Theo tiến sĩ Aksornsri, đây là cơ hội khẳng định vị thế của Thái Lan, tận dụng nguồn đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với nước này. Thái Lan không thể xem trọng Mỹ hay Trung Quốc hơn khi một bên là đồng minh truyền thống lâu đời còn bên kia là đối tác kinh tế quan trọng hiện nay. “Vì vậy, theo tôi, chính phủ Thái Lan cần giữ vững sự độc lập, tạo sự cân bằng với Mỹ và cả Trung Quốc trong khi tận dụng hiệu quả quan hệ với 2 nước này”, tiến sĩ Aksornsri nói.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên, tướng Marut Patchotasingh, cố vấn đặc biệt của quân đội Thái Lan, cho rằng Mỹ và Trung Quốc cũng quan tâm đến lợi ích kinh tế một khi Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 được thành lập.

Một số nước trong khu vực hiện muốn Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở đây nhưng đồng thời cũng muốn đi bên cạnh nền kinh tế năng động của Trung Quốc. Cũng như vậy, chính phủ Thái Lan có vẻ như đã lựa chọn cả 2 lĩnh vực này để hợp tác với Washington lẫn Bắc Kinh, nhưng phần hợp tác quân sự với Mỹ mạnh hơn trong khi với Trung Quốc thì kinh tế là trọng tâm.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.