Khốn đốn vì chống tham nhũng

18/11/2012 03:20 GMT+7

Trong khi Quốc hội đang tìm cách đưa vào luật những điều khoản bảo vệ người chống tham nhũng thì trên thực tế, đang có nhiều người vì chống tham nhũng mà bị đe dọa, mất việc, thậm chí đổ máu.

Khốn đốn vì chống tham nhũng
10 năm đội đơn đi tố cáo cán bộ xã tham nhũng, ông Trần Hữu Sửu đã bị trù úm, bị chém 24,4% thương tật - Ảnh: K.Hoan

10 năm đội đơn đi tố cáo  

Hành trình chống tham nhũng của ông Trần Hữu Sửu ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An bắt đầu từ năm 1999 khi ông phát hiện ra nhiều sai phạm của lãnh đạo xã về thu chi tài chính, bán 275 lô đất sai thẩm quyền. Sau gần hai năm trời ông đội đơn từ huyện lên tỉnh, tháng 5.2001, Thanh tra tỉnh vào cuộc và kết luận hàng loạt sai phạm của cán bộ xã này với số tiền sai phạm phải thu hồi là 768 triệu đồng và hơn 15.000 m2 đất. Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã, kế toán trưởng và cán bộ địa chính bị cách chức, hàng loạt cán bộ khác bị kỷ luật.

Hai năm sau, ông Sửu tiếp tục phát hiện ra nhiều sai phạm của những lãnh đạo xã vừa được bổ nhiệm và tiếp tục tố cáo 46 nội dung sai phạm trên nhiều lĩnh vực. Ròng rã 3 năm đi tố cáo, Thanh tra huyện Đô Lương mới vào cuộc. Nhưng kết luận thanh tra cho rằng chỉ có 17 nội dung ông Sửu tố cáo đúng, còn 19 nội dung còn lại là sai. Ông Sửu tiếp tục tố cáo lên tỉnh. Thanh tra tỉnh Nghệ An về kiểm tra, phát hiện đoàn thanh tra của huyện Đô Lương bỏ sót nhiều sai phạm nên đề nghị phải thanh tra lại.

 

Tố cáo tham nhũng... là trách nhiệm công dân nên phải làm. Tôi đã và đang chịu nhiều áp lực lắm, nhất là liên tục bị người ta nhắn tin, gọi điện đe dọa giết

Ông Dương Đình Dần

Lần hai, Thanh tra huyện Đô Lương kết luận 28 nội dung ông Sửu tố cáo đúng, 9 nội dung trùng, 7 nội dung có đúng có sai và 2 nội dung không thuộc thẩm quyền. Trong vụ việc này, ông Sửu còn tố cáo ông Nguyễn Thọ Xuân, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn chưa tốt nghiệp lớp 10 nhưng vẫn có bằng đại học và làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Thế nhưng, cơ quan chức năng huyện Đô Lương sau một thời gian kiểm tra, kết luận ông Sửu tố cáo sai sự thật.

Để chứng minh cho việc tố cáo của mình là đúng, ông Sửu phải mất cả tháng trời lặn lội đi nhiều cơ quan ở trung ương để xác minh. Kết quả, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kết luận ông Xuân chưa tốt nghiệp lớp 10 và cũng không phải là thương binh. Năm 2008, sau nhiều năm đấu tranh của ông Sửu, UBND huyện Đô Lương đã cách chức chủ tịch UBND xã đối với ông Xuân và một số cán bộ khác vì đã khai man hồ sơ, thu, chi, quyết toán khống hơn 741 triệu đồng tiền ngân sách và đóng góp của dân. Hơn 1,5 tỉ đồng được thu hồi và gần 16.000 m2 được xác định UBND xã Hiến Sơn bán sai thẩm quyền là công của ông Sửu sau gần 10 năm trời ăn cơm nhà đội đơn đi tố cáo. Thế nhưng, “phần thưởng” cho ông là nước mắt và 24,4% thương tật vĩnh viễn.

Thiệt thòi và đơn độc

Vợ mất do bệnh hiểm nghèo, một nách nuôi 5 con, ông Sửu có lúc rơi vào cảnh túng bấn. “Phải đấu tranh vì không thể ngồi im lặng nhìn họ tham nhũng tiền của dân” và “phần thưởng” dành cho ông Sửu là những tai vạ. Tháng 10.2005, tường rào nhà ông bị bão quật đổ, ông Sửu xây lại ở vị trí giáp ranh giữa đất nhà ông và đường liên thôn đã bị Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn, người đang bị ông tố cáo, ra quyết định cưỡng chế, huy động lực lượng đến phá dỡ.

 

Bị khủng bố

Đầu năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ tuyên dương 18 người có thành tích chống tham nhũng tiêu biểu. Sau đó không lâu, 3 người trong số đó bị chém, ném mìn vào nhà. “Các vụ việc xảy ra đã hơn một năm nay, không vụ nào công an tìm ra được thủ phạm thì làm sao chúng tôi an tâm để đấu tranh” - ông Trần Hữu Sửu, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, nói.

Tháng 9.2006, ông bị công an xã bắt rồi còng tay giải về nhốt ở trụ sở xã 3 tiếng đồng hồ vì “tội” sao chụp bài báo viết về tiêu cực của cán bộ xã. Đêm 22.2.2011, sau khi vừa được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương về thành tích chống tham nhũng, ông bị hai tên côn đồ rình sẵn ở cổng nhà chém nhiều nhát vào tay, bị thương tật 24,4%. Thế nhưng, sau 7 tháng vào cuộc, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định đình chỉ điều tra mà không tìm được thủ phạm.

Vì tố cáo tham nhũng, kỹ sư Phan Cảnh Thành (dự án Rừng phòng hộ Tương Dương, Nghệ An) cũng bầm dập trước khi có kết luận thanh tra của cơ quan chức năng. Năm 2006, ông Thành phát hiện và tố cáo Ban quản lý dự án này, đứng đầu là Giám đốc Chu Văn Hùng, đã cho lập nhiều trạm kiểm soát bảo vệ rừng, cột mốc “ma”, khai gian diện tích trồng rừng... để rút tiền của nhà nước. Sau hai lần ông gửi đơn lên huyện, UBND huyện Tương Dương kết luận đơn tố cáo sai. Căn cứ vào đó, ông Hùng 9 lần đưa ông Thành ra kỷ luật nhưng không thành. Sau đó, ông Thành đã bị ông Hùng “đày” khi 6 lần ký quyết định thuyên chuyển vị trí công tác, từ trạm trưởng xuống nhân viên một trạm cách xa trung tâm huyện gần 60 cây số vì “vận động công nhân tố cáo sai sự thật”. Sau khi thanh tra dự án này, Sở NN-PTNT Nghệ An kết luận dự án có nhiều sai phạm và buộc giám đốc dự án này phải nộp gần 800 triệu đồng, trồng bù 200 ha rừng nguyên liệu và nhận mức kỷ luật cảnh cáo.

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất bên tỉnh lộ 538 thuộc xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, ông Dương Đình Dần, nguyên Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, từ nhiều năm nay sống lay lắt bằng nghề chụp ảnh dạo cũng chỉ vì... chống tiêu cực. Năm 1992, khi đang là Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, ông Dần phát hiện lãnh đạo huyện lợi dụng việc mở con đường vào rừng để phá rừng khai thác gỗ pơ mu. Ông làm đơn tố cáo gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đoàn thanh tra đặc biệt của Thủ tướng được thành lập, về kiểm tra. Vụ việc bị phanh phui, một số cán bộ huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An sau đó bị kỷ luật. Thế nhưng, thay vì được khen thưởng, ông đã bị Huyện ủy Kỳ Sơn ra quyết định khai trừ khỏi Đảng.

Năm 1995, ông tiếp tục bị đuổi việc vì “viết đơn vượt cấp làm mất uy tín lãnh đạo”. Trở về quê cũ trong cảnh trắng tay, mất việc, vợ con cũng ta thán, bỏ rơi, một mình ông Dần thui thủi trong căn nhà cũ kỹ do bố mẹ để lại và sống bằng nghề chụp ảnh dạo. Năm 2004, ông phát hiện, tố cáo 8 trường hợp ở huyện Diễn Châu khai man hồ sơ để hưởng chính sách cán bộ tiền khởi nghĩa. Hiện nay, ông đang tố cáo hàng chục trường hợp khác giả hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam ở huyện này cùng những sai phạm của cán bộ xã trong việc quản lý đất đai.

“Tố cáo tham nhũng, tiêu cực thực ra bản thân mình chẳng được lợi lộc gì nhưng đó là trách nhiệm công dân nên phải làm. Tôi đã và đang chịu nhiều áp lực lắm, nhất là liên tục bị người ta nhắn tin, gọi điện đe dọa giết”, ông Dần nói.  

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.