Quốc hội tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề xuất các cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền công dân

17/11/2012 03:40 GMT+7

Tiếp tục thảo luận dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi tại nghị trường hôm qua, 16.11, đại biểu Quốc hội đề nghị: cần khẳng định rõ trong Hiến pháp Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; có những chế định độc lập bảo đảm kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp...

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: “Kết hợp với cơ sở luật Biển đã được Quốc hội (QH) thông qua, chúng ta cũng cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp. Biết rằng đây là một nội dung nhạy cảm và một cuộc tranh đấu khó khăn, lâu dài, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội chín muồi và hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và sự ủng hộ của phần đông dư luận thế giới”.

 Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại nghị trường
Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Hiến định quyền phúc quyết của dân

 
Ảnh: N.T

Tôi đề nghị đưa vào dự thảo quy định áp dụng cho những lần sửa đổi Hiến pháp sau này, việc trưng cầu ý dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được QH thông qua. Đây sẽ là sự kết hợp tốt nhất giữa thẩm quyền đại diện của QH với chủ quyền của nhân dân, với việc nhân dân tự mình biểu quyết về cách sửa đổi Hiến pháp, hy vọng rằng Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn, có đời sống lâu dài hơn. Chỉ với một động thái như vậy theo tôi cũng sẽ là sự thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH đối với nhân dân, với cử tri - những người bầu ra chúng ta. (Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường)

Ủng hộ quan điểm trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung để hoàn thiện khoản 2 điều 11 của dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi theo hướng: “Mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xâm hại lợi ích của đất nước và nhân dân đều bị cấm và nghiêm trị". Ông Nghĩa lý giải: Việc bổ sung thêm từ "cấm" ở quy định trên để vô hiệu hóa các quyết định trái với quy định này, cho dù là Chính phủ, là các bộ ngành, các địa phương, các quan chức có những hành vi ký kết những thỏa thuận trái thì đều bị nghiêm trị.

Thành lập các thiết chế độc lập để kiểm soát quyền lực

Qua thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) cũng “hiến kế” các giải pháp để bảo đảm hiện thực hóa nguyên lý kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực lập pháp, tư pháp và hành pháp.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, định chế Chủ tịch nước là một trong những định chế để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. Do đó, cần thiết kế Chủ tịch nước có một số quyền thể hiện được vai trò kiểm soát đó. “Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi có quy định Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng, thành viên Chính phủ trái với Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước nhưng tôi đề nghị quy định lại theo hướng Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp và pháp luật”, ông Nghĩa đề nghị. Ủng hộ thành lập cơ quan bảo vệ hiến pháp với tên gọi là Hội đồng Hiến pháp, ông Nghĩa đề nghị giao cho Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng này, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch QH.

ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đề nghị thêm: Không nên quy định như điều 76 của Hiến pháp sửa đổi, về bổ sung quyền của QH phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND tối cao mà nên đưa vào nhiệm vụ của Chủ tịch nước để phù hợp với nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong chỉ đạo hoạt động tư pháp, tương tự như quyền của Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó chánh án TAND tối cao hay thẩm phán tòa án khác đã nêu tại dự thảo.

Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương đề nghị ngoài việc thành lập Kiểm toán Nhà nước là một chế định độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, chức danh tổng kiểm toán do Chủ tịch nước đề nghị thay vì giao cho Ủy ban TVQH đề nghị, cần thành lập chế định Thanh tra Nhà nước độc lập giống như Kiểm toán Nhà nước để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và đúng cơ cấu kiểm soát quyền lực nhà nước.

Dành toàn bộ thời gian phát biểu đề xuất các cơ chế kiểm soát quyền lực vốn chưa được giải quyết triệt để trong Hiến pháp, trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND tối cao, Chánh tòa quân sự T.Ư đề xuất cần nghiên cứu trao cho QH những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát kiểm soát của mình đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp, thông qua chế định cơ quan Kiểm toán Nhà nước độc lập; lập Ủy ban Độc lập phòng chống tham nhũng trực thuộc QH; đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng T.Ư, trực thuộc QH như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, để QH có công cụ hữu hiệu trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, không để tình trạng rất nhiều quyết định trong chính sách tiền tệ, tín dụng, các khoản chi rất lớn, đặc biệt lớn nhưng QH không biết.

Để bảo đảm vai trò giám sát tối cao của QH, vị trung tướng này cũng đề nghị chuyển Viện Kiểm sát trực thuộc QH với các văn phòng ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. “Viện Kiểm sát có cả chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản và cả hoạt động để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật. Nhiều cử tri khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật trực thuộc QH thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra”, ông giải thích.

Không thể tiếp tục “treo” quyền công dân

Theo ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Hiến pháp sửa đổi phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân bởi việc thể hiện quyền lực của nhân dân dù tốt đến đâu, nhưng việc thực hiện bảo vệ quyền đó như thế nào trên thực tế luôn mang tính quyết định. “Thực tế Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy rất nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình trong điều 69 và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời”, ông Thoáng dẫn chứng.

ĐB này cũng dẫn kết quả kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho thấy nhiều văn bản của các bộ, ngành, các cấp ở địa phương ban hành đã có nhiều vi phạm đến quyền cơ bản của nhân dân, như người nhập cư, cấm đăng ký xe máy thứ hai, hạn chế nhập cư vào một số thành phố… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tiễn lòng dân, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng việc bãi bỏ các quy định là rất khó do quy trình bãi bỏ, và cho rằng: Rõ ràng chúng ta đang thiếu một cơ chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật trên thực tế.

Đây cũng là điều mà ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) trăn trở. Theo bà Thúy, mặc dù dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định có 6 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung và chỉ giữ nguyên 4 điều về quyền con người, quyền công dân, nhưng vẫn còn mang tính tuyên ngôn, chưa có ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các quyền, cũng như chưa có cơ chế để thực hiện các quyền đó. Vì vậy, theo bà Thúy, cần sửa đổi theo hướng "các quyền vốn có của con người phải được Hiến pháp ghi nhận, tôn trọng bảo vệ và đảm bảo thực hiện”.

Luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng

 
Ảnh: N.T

Các tổ chức của Đảng và cán bộ đảng viên hoạt động và thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên nhưng lãnh đạo như thế nào, trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật ra sao thì chưa rõ. Tôi xin nêu một ví dụ ở địa phương, ở T.Ư, người đứng đầu các cơ quan chính quyền bao giờ cũng quản lý điều hành theo pháp luật và theo sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy sở tại.

Phần lớn công việc quan trọng đều có chủ trương của cấp ủy, địa phương, nếu không may có sai lầm thì rất khó truy cứu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phía nhà nước bởi đồng chí ấy phải chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy, đảng. Mà một ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu lại là tập thể bởi theo nguyên tắc quyết định theo đa số. Đó là chưa nói đến trên thực tế có nhiều trường hợp người ta nhân danh tổ chức Đảng, nhân danh Đảng vì những động cơ cá nhân nhằm trục lợi thông qua chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và công tác tổ chức cán bộ.

Đang có quá nhiều bất cập cần phải xác định làm rõ hơn, cụ thể hóa những nguyên lý, nguyên tắc, cơ chế vận hành, phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra cho việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Từ những suy nghĩ trên đây, tôi tha thiết đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Đảng Cộng sản Việt Nam và rất cần thiết phải nghiên cứu để xây dựng một số điều đủ khả năng quy định về bản chất của Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên của Đảng trước đất nước, trước nhân dân và trước pháp luật. (ĐB Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Bảo Cầm

>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Bàn việc sửa đổi Hiến pháp
>> QH thảo luận sửa đổi Hiến pháp, luật Đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm
>> Quốc hội nghe báo cáo sửa đổi Hiến pháp
>> Sẽ trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp
>> MTTQ VN kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Cần một đạo luật riêng về Đảng
>> Bản sao hiến pháp Mỹ giá 10 triệu USD
>> Bản thảo Hiến pháp Mỹ sẽ lên sàn đấu giá
>> Thái Lan: Phe áo đỏ thu thập chữ ký chống tòa hiến pháp
>> Thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.