Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

16/11/2012 18:59 GMT+7

(TNO) Chiều nay 16.11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Một số đại biểu (ĐB) đã nêu thêm các ý kiến đóng góp cho Dự thảo về quyền của Đảng, quyền của dân, quyền của QH và quyền của Chủ tịch nước.

Theo ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Dự thảo cần khẳng định rõ bốn quyền là: quyền của Đảng, quyền của dân, quyền của QH và quyền của Chủ tịch nước. Trong đó, phải thể hiện rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đối với quyền công dân, ở điều 21 chỉ nêu chung chung công dân có quyền sống nên cần nêu rõ quyền sống như thế nào: tự do, hạnh phúc và bổ sung thêm nội dung nghiêm cấm các hành vi ngăn cản thực hiện quyền công dân.


ĐB Hà Hùng Cường (Quảng Bình) nêu quan điểm nhân dân phải là chủ thể của việc lập hiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Đối với quyền QH, ĐB đề nghị thành lập thêm Ủy ban điều tra dư luận xã hội, là cơ quan độc lập thuộc QH. Đây coi như tổ chức lấy ý kiến dư luận, ý kiến nhân dân. Kết quả điều tra của Ủy ban này cùng với việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để đánh giá tín nhiệm. Qua đó, QH phê bình kiểm điểm, biểu dương khen thưởng đối với các vị trí, để có cất nhấc, bổ nhiệm, điều tra, kỷ luật.

ĐB cũng đề nghị để Chủ tịch nước có thêm quyền tổ chức hội nghị chính trị đặc biệt. Nói thêm về quyền hạn của Chủ tịch nước, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cho rằng quy định: “Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang có nội hàm còn chung chung. Vì vậy, cần cụ thể hóa quyền hạn này như quyền: bổ nhiệm các chức vụ trong quân đội, kêu gọi tổng động viên, ban hành lệnh giới nghiêm trong tình hình cần thiết,…”.

 

Đề nghị quan tâm thêm về giới tính thứ ba

Cùng quan tâm đến vấn đề quyền con người và quyền công dân, ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) góp thêm ý kiến: “Về quyền bình đẳng giới, Dự thảo chỉ ghi nam và nữ là đã đủ chưa? Vì thực tế hiện nay không chỉ có nam giới, nữ giới mà còn có giới tính thứ ba, lưỡng giới…”.

Nói thêm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị QH soạn thảo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nên xem xét thêm quy định về việc kết hôn đồng tính.

Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), sau Hiến pháp 1946, vai trò của Chủ tịch nước ngày càng mờ nhạt. ĐB đề nghị Dự thảo Hiến pháp xem xét thống nhất quyền lực nguyên thủ Quốc gia về cho một người.

Qua hai ngày thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại hội trường, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: nhìn chung các ĐBQH thống nhất cao: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.

Các ĐB cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bên cạnh đó, ĐBQH cũng góp ý nhiều vấn đề về nội dung và kỹ thuật lập hiến nhằm hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Phó chủ tịch QH khẳng định, sửa đổi Hiến pháp là công việc vô cùng quan trọng. UBTVQH, UB soạn thảo Hiến pháp sẽ tổng hợp tất cả ý kiến của các ĐBQH để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi. Sau khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo, UBTVQH, UB soạn thảo Hiến pháp sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để trình QH thông qua.

Nguyên Mi

>> Cần quy định cơ quan bảo hiến độc lập
>> Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì
>> Chất vấn tại Quốc hội: Vì sao hàng giả, độc hại tràn lan?
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Bàn việc sửa đổi Hiến pháp
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Y đức, "phong bì" trong ngành y tế làm "nóng" nghị trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.