Nguyên nhân khiến giáo dục VN chưa hội nhập quốc tế

17/11/2012 03:20 GMT+7

Theo các chuyên gia giáo dục, có một số nguyên nhân kìm hãm sự hội nhập quốc tế của các trường ĐH Việt Nam.

PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, đại diện của University Preparation College Sydney (Úc) tại Việt Nam, đưa ra một số lý do như: tiếng Anh kém, hiểu biết đối tác ít, xa lạ nhiều chuẩn mực quốc tế, bộ máy quản lý giáo dục cồng kềnh… Thêm vào đó, chúng ta còn đang cổ vũ cho việc tự viết giáo trình, trong khi đáng lẽ phải học theo giáo trình quốc tế.

Trên bình diện nghiên cứu khoa học, theo GS Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên y khoa ĐH New South Wales (Úc), mức độ đóng góp tri thức toàn cầu từ các nhà khoa học nước ta nói chung vẫn còn khá lu mờ. Trong khi đó, bất kỳ học thuyết xã hội nào cũng nhất trí một điều là nếu một quốc gia muốn trở thành một “diễn viên” trên trường quốc tế thì nghiên cứu khoa học và phát triển (R&D) đóng vai trò then chốt. Bắt chước người khác, bán sản phẩm và công nghệ của người khác có thể đem lại vài hiệu quả ngắn hạn, nhưng không thể là nền móng cho phát triển lâu dài.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết giáo dục ĐH tại Việt Nam đã được tiếp cận với hệ thống tri thức khoa học mới và tiên tiến nhất của thế giới. Chưa kể các trường ĐH còn có khả năng liên kết với những trường ĐH quốc tế danh tiếng và nhận được sự viện trợ, tài trợ của các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ… thông qua hàng loạt dự án giáo dục và một số loại hình khoa học công nghệ. Thế nhưng vẫn còn hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết để hội nhập, như: cập nhật chương trình đào tạo đổi mới phù hợp thế giới để từ đó nâng cao giá trị văn bằng, xác lập hệ thống định chuẩn - đánh giá - kiểm định chất lượng theo khu vực và thế giới…

Về chính sách, việc hội nhập quốc tế còn đòi hỏi việc tham khảo từ các nước có nền giáo dục phát triển tốt. Theo tiến sĩ Hồ Vũ Khuê Ngọc, Phó chủ nhiệm Khoa Quốc tế học Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), tìm hiểu từ các nước trong khu vực là hay nhất vì có nhiều nét tương đồng về nguồn gốc xã hội và văn hóa. Như Singapore đã đầu tư rất nhiều trong việc thu hút sinh viên tài năng cũng như giáo sư từ các nước trên thế giới. Họ còn tạo điều kiện cho các trường nước ngoài hoạt động tại nước mình. Trung Quốc đã áp dụng chính sách cử chuyên viên cấp nhà nước cũng như đưa ra chương trình học bổng cho sinh viên đi học ở nước ngoài.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.