Nguyễn Hữu Phụng: Nước ngoài làm được thì ta làm được

16/11/2012 05:55 GMT+7

Ông nhắc đi nhắc lại cụm từ “hoang tưởng tích cực” và tự nhận mình là người như thế. Bởi ông luôn nhìn đến mặt tích cực của từng vấn đề. Ông là Nguyễn Hữu Phụng, người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Thời Trang Việt.

Nguyễn Hữu Phụng Nước ngoài làm được thì ta làm được
Ông Nguyễn Hữu Phụng - Ảnh: H.L

Ngành dệt may Việt Nam (VN) đứng trong top 5 xuất khẩu trên thế giới nhưng tại thị trường nội địa, hơn 60% thị phần thuộc về các thương hiệu ngoại. Số còn lại được chia sẻ manh mún bởi vài thương hiệu trong nước và hàng nhái, hàng giả, hàng không nhãn mác… Chính điều đó càng nung nấu thêm quyết tâm xây dựng một thương hiệu thời trang Việt đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu của ông Phụng.

Khát vọng thương hiệu toàn cầu

Ông thừa nhận: “Hơn 30 năm qua, tôi vẫn luôn mong mỏi, ước mơ xây dựng được một thương hiệu thời trang VN mang tính toàn cầu. Điều đó hiện chưa trở thành hiện thực mà vẫn còn là mục tiêu hướng tới nên có thể trong mắt nhiều người, nó là điều hoang tưởng, nhưng tôi nghĩ rằng đó là sự hoang tưởng tích cực. Mình vẫn luôn tin vào điều mình suy nghĩ thì đó chính là động lực lớn nhất để tiếp tục công việc này”.

 

Có thể trong mắt nhiều người, nó là điều hoang tưởng, nhưng tôi nghĩ rằng đó là sự hoang tưởng tích cực. Mình vẫn luôn tin vào điều mình suy nghĩ thì đó chính là động lực lớn nhất để tiếp tục công việc này

Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, chàng sinh viên tài chính Nguyễn Hữu Phụng đã lăn lộn bán từng chiếc quần jeans tại khu chợ Tạ Thu Thâu (TP.HCM). Nhắc lại thời kỳ này, ông lý giải, nguyên nhân bắt nguồn công việc theo ngành thời trang của mình là do mưu sinh và sự đam mê kinh doanh. Vật lộn trên thương trường khi VN còn thiếu thốn đủ mọi thứ, từ nguyên vật liệu đến nhà thiết kế thời trang, thậm chí người chuyên thiết kế một cửa hàng thời trang chuyên nghiệp cũng không hề có. Nhưng ông khẳng định: “Thị trường không có lúc nào dễ mà cũng không lúc nào khó. Nếu như giai đoạn đầu thiếu thốn mọi thứ và mình cũng phải bắt tay từ con số không to tướng thì đến thời điểm hiện nay mọi thứ có vẻ đầy đủ hơn nhưng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang ngày càng khốc liệt hơn”.

Sự thất bại của Maxx, thương hiệu đầu tiên của Thời Trang Việt  vào năm 1998 và tiếp đó là NMSG hay sự thất bại khi mở cửa hàng từ Mỹ đã khiến ông rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đó là việc cần phải chuẩn bị tốt hơn nguồn nguyên phụ liệu, hệ thống quản trị và tài chính để đủ sức dấn thân vào phân khúc thời trang cao cấp hay một thị trường cạnh tranh khốc liệt…

Thừa nhận đó cũng là một sai lầm về chiến lược nhưng ông không nản mà cho rằng khi thương hiệu NMSG chết đi thì nó cũng là tiền đề để thương hiệu N&M hiện nay được ra đời.

Đam mê và sáng tạo

 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Niềm đam mê thời trang của ông dường như chưa bao giờ bị “sứt mẻ”. Ông tự tin rằng trong vòng 5 năm nữa, khi nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài tham gia nhiều vào VN thì bản thân Thời Trang Việt sẽ có đủ sức cạnh tranh. Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, ông và cả công ty phải không ngừng tìm kiếm và sáng tạo những cái mới, cái độc đáo đưa ra thị trường. Ông nhấn mạnh: “Những lúc khó khăn như thế này, nếu như anh không có sản phẩm độc đáo thì nên cắt giảm chi phí, án binh bất động là tốt nhất vì càng làm sẽ càng thua lỗ”.

Sự sáng tạo để mang đến sự khác biệt, để không bị hòa lẫn vào trong thị trường dường như là kim chỉ nam của ông. Nhưng sự sáng tạo phải được hiểu rộng hơn, như thiết kế các mô hình kinh doanh mới thiết kế vải,… chứ không chỉ bó buộc ở việc thiết kế từng mẫu sản phẩm. Trong vòng một năm qua ông đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của mình. Đóng cửa những cửa hàng nhỏ, chuyển sang những cửa hàng rộng hơn 1.500 m2 và đa dạng sản phẩm, phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng từ trẻ đến trung niên, từ nam đến nữ...

Tôi tiếp thu mô hình của thế giới nhưng theo cách làm riêng của mình, phù hợp với quy mô của doanh nghiệp và thị trường VN. Đây không phải là bí quyết nhưng để làm được là bài toán rất khó cho những nhà kinh doanh nội địa. Bởi không phải mở ra một cửa hàng rồi đưa sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau vào cùng một chỗ, mà các thương hiệu phải có sự tương đồng về chất liệu, giá cả, mẫu mã… nên phải do cùng một đơn vị thực hiện", ông phân tích.

Điều quan trọng nhất trong kinh doanh thời trang là xây dựng thương hiệu. Theo ông, người tiêu dùng bỏ tiền ra mua một sản phẩm chủ yếu là do thương hiệu vì sẽ khó phân biệt được chất lượng của cái quần, cái áo. Bởi vậy khi phát triển đến mức lớn, các tập đoàn thời trang toàn cầu chỉ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và phân phối mà hoàn toàn không đụng đến sản xuất. Ông chia sẻ, bản chất của thời trang là sáng tạo, là “bay bổng” trong khi sản xuất cần sự tỉ mỉ, chỉn chu nên “đã dính vô sản xuất là sa lầy”.

Kết thúc buổi trò chuyện với chúng tôi, ông đặt ra câu hỏi và cũng là lời nhắn nhủ cho bản thân mình: Tại sao các tập đoàn nước ngoài đã xây dựng được những “đế chế” thời trang hùng mạnh mà chúng ta lại không làm được? “Rõ ràng ngành thời trang có nhiều tiềm năng phát triển và tôi tin rằng chắc chắn, điều mong ước của mình xây dựng một thương hiệu thời trang Việt đủ mạnh để cạnh tranh toàn cầu rồi sẽ thành hiện thực”, ông quả quyết.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.