Cần quy định cơ quan bảo hiến độc lập

16/11/2012 03:00 GMT+7

Chiều qua 15.11, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ĐB cho rằng cần có quy định rõ về cơ quan bảo vệ Hiến pháp, quyền công dân.

Mặc dù Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đề cập đến việc thành lập tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến, nhưng không lựa chọn phương án này và cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của QH. Trong đó, đề cao vai trò của Ủy ban Pháp luật của QH trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhưng nhiều ĐB cho rằng vẫn cần cơ quan độc lập trong vấn đề bảo hiến.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), việc nghiên cứu, thành lập tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến là bước tiến mới, cũng là quá trình cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì vậy ĐB Nghĩa đề nghị thành lập cơ quan này theo hướng là một cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, quy tụ những chuyên gia pháp luật đầu ngành và kỳ cựu của đất nước có trình độ pháp lý cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng...

Đồng quan điểm trên, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp để giúp QH xem xét, kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan T.Ư và chính quyền địa phương ban hành. ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hiệu quả mô hình này và đề nghị thành lập hẳn một cơ quan bảo hiến, tách rời khỏi QH vì: “Nếu thành lập một hội đồng Hiến pháp mà QH giữ vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát tính hợp hiến các văn bản luật sẽ không khả thi trên thực tế, vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ở phần nội dung liên quan đến quyền con người, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị, nhà nước chỉ nên tuyên bố quan điểm của mình đối với quyền con người bằng một điều chung nhất. Không nên quy định lẫn lộn vừa quyền con người vừa quyền công dân trong cùng một điều và đề nghị Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp giải thích rõ vì sao không đưa nhóm quyền về chính trị lên đầu mà xếp sau những quyền khác, ví dụ quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia công việc nhà nước. “Theo tôi bất cứ Hiến pháp thành văn nào cũng xếp nhóm quyền về chính trị lên trước các nhóm quyền khác”, ĐB Châu nói. ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị cần nghiên cứu để diễn đạt thật đầy đủ, sâu sắc quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) thì nhận định: dự thảo lần này chưa kế thừa, phát triển đầy đủ các giá trị đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hôm nay (16.11), QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.