Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì

15/11/2012 03:30 GMT+7

Sáng hôm qua, 14.11, sau khi báo cáo bổ sung trước QH về những giải pháp mới và quan trọng của Chính phủ để từng bước ổn định nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các nội dung chất vấn của các ĐBQH về nhiều vấn đề, trong đó, có những giãi bày liên quan đến cá nhân ông.

Hơn một tiếng đồng hồ trả lời chất vấn trực tiếp trước QH, Thủ tướng chưa kịp trả lời hết câu hỏi của 4 ĐBQH đầu tiên, trong khi vẫn còn tới 16 vị tiếp tục bấm nút chờ đến lượt. Mặc dù vậy, ông cũng đã kịp giải đáp khá nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri đã gửi gắm qua chất vấn của ĐBQH.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tập trung vào 3 nhóm giải pháp

Bấm nút đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận xét cả phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng lẫn báo cáo Thủ tướng trình tại QH đều chưa làm rõ giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn cho DN thời gian tới. Vì vậy, bà Hương đề nghị: “Thủ tướng cho biết một cách cụ thể, Chính phủ có giải pháp cơ bản nào cả trước mắt và lâu dài để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì phát triển để có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước?”. Chất vấn sau đó, thượng tọa Thích Thanh Quyết (ĐB Quảng Ninh) cũng đặt câu hỏi tương tự về giải pháp trước mắt và lâu dài để giải cứu DN.

 
Bước sang năm 2013, Chính phủ đặt nhiều ưu tiên vào việc xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ điều chỉnh lương tối thiểu từ 1,05 lên 1,15 triệu đồng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tương ứng từ 1/7/2013. Đồng thời, sẽ có giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất thông qua hạ lãi suất, thực hiện các giải pháp thuế - phí nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống buôn lậu…

Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, hết sức lo lắng và cũng hết sức chia sẻ với DN, với cộng đồng DN. Thủ tướng cho biết để tháo gỡ khó khăn cho DN thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp là ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. “Kinh tế vĩ mô thì có rất nhiều nội dung nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm phải kiềm chế cho được lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa hết sức cơ bản, lâu dài để giảm bớt khó khăn cho DN và để DN vượt qua khó khăn duy trì được sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nhận định. Và ông phân tích: Nếu lạm phát cao thì lãi suất cao, tỷ giá biến động và giá trị đồng tiền Việt Nam sụt giảm, kéo theo chi phí của DN sẽ tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ hết sức khó khăn, khó mà duy trì được sản xuất, chưa nói đến phát triển sản xuất. “Chính phủ hành động không cũng chưa đủ mà rất mong trước khó khăn hiện nay, cộng đồng DN, từng DN, từng nhà lãnh đạo DN hãy tự đổi mới, tự tính toán, cơ cấu lại DN, cơ cấu lại phương án sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại quản trị, điều hành để nâng cao năng suất hiệu quả sức cạnh tranh từ đó vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, khả năng của mình”, Thủ tướng kêu gọi.

Trước đó, phần Báo cáo do Thủ tướng trình bày có nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào các định hướng điều hành trong những tháng cuối năm, năm 2013 cũng như các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có DN nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức, phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình DN, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...). Các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động cơ cấu lại nợ từ nguồn dự phòng rủi ro, đồng thời cùng DN khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các ngân hàng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. UBND các tỉnh, thành phố cũng sẽ tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên... Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch, khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.

Đối với tái cơ cấu DN, bên cạnh việc sắp xếp, phân loại DN thoái vốn nhà nước khỏi các đơn vị không cần nắm giữ, các DN quốc doanh sẽ tổ chức lại theo loại hình phù hợp, áp dụng chế độ quản trị tiên tiến, minh bạch. Đặt DN nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Chính phủ xác định giai đoạn 2011 - 2015 chủ yếu tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với tình trạng tài chính riêng; hoàn thiện các tiêu chí quản lý hoạt động theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường giám sát, xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống.
 
“Đảng lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi”

Bấm nút sớm thứ 2 trong số 20 ĐB đăng ký chất vấn Thủ tướng, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trầm giọng: “Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng, đã có lời xin lỗi và xin T.Ư Đảng kỷ luật. Còn tại QH, Thủ tướng chỉ xin lỗi trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn nhà nước, khiến người dân đặt câu hỏi dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng”.

Đánh giá cao hành động xin lỗi của Thủ tướng, song vị ĐB có thâm niên hoạt động ở 3 nhiệm kỳ QH này đặt 2 câu hỏi cụ thể: Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?

“ĐB Dương Trung Quốc có nêu một ý là có nghĩ đến văn hóa từ chức không? Đối với tôi còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm, tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi”, Thủ tướng giãi bày.

Dừng lại vài giây, Thủ tướng nói tiếp: Là một cán bộ đảng viên của Đảng, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với BCH T.Ư một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, BCH T.Ư cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng, T.Ư phân công, QH đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của BCH T.Ư Đảng, của QH, cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi.

“Tóm lại có thể nói gần suốt cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không xin, và tôi cũng không thoái thoác từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”, Thủ tướng khẳng định.

Sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn

Khép lại hai ngày rưỡi chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Toàn bộ phiên chất vấn tại kỳ họp này diễn ra một cách rất dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước. Những câu hỏi của các vị ĐBQH đặt ra hết sức thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn. Các câu hỏi rất phong phú và sắc sảo. Trả lời của các vị bộ trưởng, thành viên chính phủ cũng đi vào nội dung các câu hỏi và đã giải đáp được hầu hết các vấn đề đặt ra, đưa ra được các kiến nghị cần thiết để tiếp tục giải quyết. Theo nghị trình, trước khi bế mạc kỳ họp, QH sẽ thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trên cơ sở các lời hứa và cam kết của các thành viên chính phủ trước QH.

Bảo Cầm

>> Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
>> Trưng bày nhiều tư liệu quý về Quốc hội
>> Mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
>> Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.