Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi không đưa phong bì

15/11/2012 03:25 GMT+7

Tuy cuộc vận động "nói không với phong bì" hầu như chưa mang lại nhiều kết quả nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn kêu gọi cử tri "không đưa phong bì" tại diễn đàn QH sáng qua.

>> Y đức, "phong bì" trong ngành y tế làm "nóng" nghị trường

Không phổ biến, nhưng "con sâu làm rầu..."

Trước chất vấn của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) về kết quả cuộc vận động “nói không với phong bì” do Bộ trưởng phát động, bà Tiến khẳng định: “Tôi không phát động vấn đề đó” và cho biết trong thời gian bà đi công tác thì công đoàn của ngành phát động phong trào đó. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không nên cản trở, dù là đau lòng, dù là phũ phàng, nhưng điều đó cũng là sự thật tồn tại để cho dân chúng và mọi người mổ xẻ và chúng ta sẽ tìm cách giải quyết”, bà Tiến bộc bạch.

 
Nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì thì chụp ảnh lại, ghi tên người điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho chúng tôi

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Về kết quả của cuộc vận động đó như thế nào, bà Tiến nói: “Chắc các cử tri có lúc là bệnh nhân thì sẽ hiểu”, và tiết lộ rằng mình đã từng đóng vai người xếp hàng để khám bệnh ở những chỗ có người dân phản ánh phải có phong bì thì việc xếp hàng khám bệnh mới nhanh chóng, vui vẻ. “Chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó”, bà Tiến thừa nhận. “Đấy là những việc đập vào mắt tương đối rõ, dù không phải phổ biến, nhưng những hình ảnh đó "con sâu làm rầu nồi canh" và làm mất uy tín danh dự của ngành”, bà Tiến nói.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) không hài lòng khi Bộ trưởng Y tế cho rằng 3 nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của cán bộ y tế đều chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội. Ông yêu cầu Bộ trưởng Y tế cho biết giải pháp nào để giải quyết tình trạng đó, để người dân yên tâm điều trị mỗi khi vào viện. Bộ trưởng Y tế xác nhận, y đức đòi hỏi cao hơn đạo đức nghề nghiệp của nhiều ngành khác vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Vấn đề y đức được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm. Bà Tiến khẳng định, ngành y tế cũng rất quan tâm và đang tìm giải pháp. Một trong những giải pháp lâu dài, bà Tiến kêu gọi: "Chúng tôi nghĩ cần có sự ủng hộ tham gia của đồng bào, cử tri cả nước, của ĐBQH. Về phía cán bộ y tế, chúng tôi đã nói là thái độ không nhận phong bì. Nhưng về phía người nhà bệnh nhân và thân nhân thì chúng tôi cũng mong rằng dứt khoát không đưa phong bì và giám sát, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì đó thì chụp ảnh lại và ghi lại tên người điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi".

Trả lời ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) về những người trong ngành trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến những sai sót không đáng có, Bộ trưởng thừa nhận sự thật đau lòng là thời gian qua có nhiều trường hợp sản phụ tử vong. Trước diễn biến này, ngành y tế đã họp rất nhiều và nhận thấy, nguyên nhân số ca tai biến sản khoa nhiều hơn những năm trước là do số lượng sinh năm nay nhiều hơn các năm 15% dẫn đến quá tải nhiều cơ sở y tế. "Có phần sai sót chuyên môn, năng lực hạn chế của cán bộ y tế", bà Tiến thừa nhận. Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng, tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam chỉ đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, dù vẫn cao hơn nhiều ở khu vực khác.

Quản lý, kiểm tra chặt an toàn thực phẩm

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo thêm với QH về vấn đề thực phẩm không đảm bảo an toàn, gây lo lắng, hoang mang cho người dân thời gian vừa qua. Với 7 phút đăng đàn, ông Nhân dành phần lớn thời gian để nói vấn đề gà nhập lậu và cho biết: “Ở Hà Nội, Chính phủ đang làm đề án 1 năm, chúng tôi muốn chọn con gà làm để rút kinh nghiệm và sau đó sẽ mở rộng dần sang loại khác như heo, như hoa quả... để khắc phục vấn đề thực phẩm không an toàn”.

Ông Nhân cũng kể ra 5 tác hại từ gà nhập lậu và đề nghị: “Bà con nhân dân, các ĐBQH gương mẫu không ăn gà nhập lậu, bảo vệ sức khỏe cho mình”.

Đáp lại lời đề nghị của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc thêm: “ĐBQH chắc cũng không thể biết con gà nào là gà không an toàn, đồng chí Phó thủ tướng yêu cầu ĐB không ăn gà, là gà mất vệ sinh nhưng cũng khó biết vì gà rán, gà nướng, gà nấu cháo rồi làm sao biết được. Tôi hy vọng chúng ta quản lý từ đầu cho đến kiểm tra chặt chẽ. Rõ ràng Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ là khâu cuối cùng cho nên Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Công an tôi cho rằng có trách nhiệm cao hơn trong việc quản lý này".

Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp, luật Thuế TNCN

Sáng nay 15.11, QH thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013; Thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân. Chiều cùng ngày, QH sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phiên thảo luận về nội dung Hiến pháp sửa đổi sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Bảo Cầm

Tuệ Nguyễn

>> Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN
>> Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải nói thẳng là dịch đã bùng phát”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.