Bản tin dự báo bão còn khó hiểu đối với người dân

15/11/2012 15:35 GMT+7

(TNO Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận, các bản tin dự báo của ngành khí tượng thủy văn còn khó hiểu đối với người dân và cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến cho thông tin dự báo, cảnh báo kém hiệu quả.

(TNO) Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã thừa nhận điều này trong văn bản trả lời chất của đại biểu quốc hội Phạm Xuân Thường (Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình).

>> Bão lũ gây thiệt hại gần 35 tỉ đồng
>> Bão lũ hoành hành nhiều nơi, hơn 430 người chết
>> Dự trữ lương thực cho bão lũ
>> Miền Trung sẽ tiếp tục đón 4-5 đợt bão, lũ
>> Bão lũ, không khí lạnh... ngày càng dị thường

Ông Quang cho biết, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước cộng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành, ngành khí tượng thủy văn đã có những tiến bộ rất nhiều so với những năm trước đây.

Nhờ ứng dụng được những công nghệ tiên tiến như vệ tinh, ra đa thời tiết hoặc các loại mô hình dự báo của các nước khác, công tác dự báo đã phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo phòng tránh thiên tai, nhất là bão, lũ ở các địa phương.


Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang: "Chúng tôi cảm thấy mình chưa làm tròn
trách nhiệm trước nhân dân" - Ảnh: Quang Duẩn

“Có thể nói so với đầu tư của các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn của ta còn khá khiêm tốn nhưng với trình độ công nghệ đã nắm được như hiện nay và kết quả đã đạt được có thể nói về cơ bản công tác dự báo đã đạt được trình độ trung bình trong khu vực, không thua kém các nước như Philippines, Thái Lan và Malaysia”, ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Quang, trong thời gian qua vẫn còn có những sự cố khiến dư luận phê phán và không hài lòng với công tác dự báo, nhất là qua một số cơn bão.

Nguyên nhân của những sự cố này được xác định là do dự báo khí tượng thủy văn là một việc khó, trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép dự báo chính xác đường đi hoặc gió trong bão, kể cả những nước có trình độ phát triển nhất như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Sai số của dự báo trước một ngày đường đi của bão trên thế giới trung bình hiện nay vào khoảng 100 km trong khi đòi hỏi về công tác dự báo luôn cao hơn khả năng thực tế.

Với sai số khoảng 100 km, việc đòi hỏi dự báo chính xác đến từng tỉnh và cả thời gian, địa điểm đổ bộ chính xác của bão là một công việc ngoài khả năng của khoa học dự báo hiện nay.

Bản thân ngành khí tượng thủy văn cũng xác định đây là việc khó, nhưng cũng không có sự giải thích cặn kẽ để cho cộng đồng, nhân dân hiểu, nhất là mỗi khi có bão.

 
 Ảnh mây vệ tinh một cơn bão - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Ông Quang cũng thừa nhận, "các bản tin dự báo của ngành khí tượng thủy văn còn khó hiểu đối với người dân. Đây là nguyên nhân chính khiến cho thông tin dự báo, cảnh báo kém hiệu quả”.

“Với trách nhiệm người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi công tác dự báo khí tượng thủy văn còn chưa đáp ứng được như mong muốn của nhân dân, thiên tai còn gây ra những thiệt hại vì bất kỳ lý do nào, Bộ nhận thấy còn chưa làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân”, ông Quang bộc bạch.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, tiếp cận những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao chất lượng dự báo, tăng độ chính xác của dự báo hơn nữa, phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và cho những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.