Y đức, "phong bì" trong ngành y tế làm "nóng" nghị trường

14/11/2012 14:40 GMT+7

* Năm 2013 "quét sạch" gà nhập lậu (TNO) Vấn đề y đức, đặc biệt là chuyện nhận phong bì trong ngành y tế và “quét sạch” gà nhập lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã làm “nóng” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào sáng nay, 14.11.

* Năm 2013 "quét sạch" gà nhập lậu

(TNO) Vấn đề y đức, đặc biệt là chuyện nhận phong bì trong ngành y tế và “quét sạch” gà nhập lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã làm “nóng” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào sáng nay, 14.11.

Chụp hình cán bộ y tế nhận phong bì

Chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu (ĐB) Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng báo cáo kết quả cuộc vận động nói không với phong bì trong ngành y tế.

“Về vấn đề tiêu cực trong ngành y tế, chính trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội từng xót xa: “Bệnh nhân nghèo thì ăn cơm từ thiện, còn để dành tiền đưa phong bì cho bác sĩ”. Ngành y tế nói không với phong bì, nhưng hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác vấn nạn trên không giảm?”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bức xúc.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nói thêm: “Nhiều trường hợp viện phí chỉ bằng nửa lệ phí khi đi viện”.


ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn chuyện nhận phong bì trong ngành y tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước những sai sót, thái độ và trách nhiệm khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân, các ĐB đã yêu cầu Bộ trưởng giải trình về y đức của cán bộ y tế.

“Đạo đức nghề nghiệp là điều mà bất cứ ngành nào cũng phải có. Đặc biệt, y đức trong ngành y càng đòi hỏi cao hơn vì đây là nghề chăm sóc sức khỏe cho người dân, và đặc biệt là ngay lúc người dân cần được nâng niu nhất - lúc bệnh tật”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

 
Tôi cũng mong muốn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì mà cùng giám sát việc nhận phong bì trong ngành y tế. Thấy chỗ nào, bác sĩ, nhân viên y tế nào nhận phong bì thì chụp hình, ghi tên lại để gửi chúng tôi xử lý
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Trả lời trước Quốc hội (QH), bà Tiến nhìn nhận chuyện nhận phong bì khá phổ biến ở các ngành, trong đó, ở ngành y tế là khó chấp nhận được. Bên cạnh đó, liên quan đến y đức còn có thái độ khi tiếp xúc với người bệnh. Nhiều nhân viên y tế không thân thiện, có lúc quát mắng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; còn tồn tại việc bác sĩ nhận hoa hồng của công ty dược để kê toa.

Theo người đứng đầu ngành y tế, đây là chuyện không phổ biến nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo Bộ trưởng, chuyện tiêu cực phong bì và thái độ của cán bộ y tế có nguyên nhân liên quan đến tính cách và đạo đức, cũng như do quá tải bệnh nhân, cơ sở y tế rất chật chội, lương quá thấp,…

Vì vậy, ngành y tế đã có nhiều giải pháp như: ban hành văn bản, tổ chức các cuộc thi, giao cho giám đốc bệnh viện áp dụng các biện pháp hành chính mạnh (như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện ĐH Y Dược nếu phát hiện cán bộ y tế nào nhận phong bì sẽ đuổi việc); giảm tải bệnh viện; cơ cấu lương phù hợp.

“Tôi cũng mong muốn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì mà cùng giám sát việc nhận phong bì trong ngành y tế. Thấy chỗ nào, bác sĩ, nhân viên y tế nào nhận phong bì thì chụp hình, ghi tên lại để gửi chúng tôi xử lý”, Bộ trưởng đề nghị trước QH.

Về tai biến trong y khoa, Bộ trưởng chia sẻ “Tôi rất đau lòng vì vừa qua có nhiều tai biến, đặc biệt là sản khoa. Ngành y tế rất day dứt”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng mặc dù thông tin về tai biến nhiều như thế, nhưng thật ra vừa qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do tai biến giảm 3 lần trong vòng một thập niên. Năm nay là năm rồng nên số thai phụ sinh tăng thêm 15% (tức tăng 100.000 trường hợp sinh), gây quá tải từ bệnh viện tuyến dưới đến tuyến trên, và làm số ca tai biến sản khoa tăng. Bên cạnh đó có nguyên nhân trực tiếp là sai sót chuyên môn, lỗi của cán bộ y tế.

“Cho dù sai sót đó có nguyên nhân gián tiếp hay trực tiếp thì chúng tôi rất chia sẻ với gia đình bệnh nhân và đều thành lập các hội đồng chuyên môn, nghiêm khắc phê bình, kỷ luật cán bộ sai sót, thanh tra, giúp về chuyên môn các cơ sở y tế địa phương”, Bộ trưởng nói.

Năm 2013 sẽ hết gà nhập lậu

Tiếp theo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp trả lời về việc quản lý VSATTP vì mảng này có sự phân công của 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Công thương.


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải trình về việc quản lý VSATTP - Ảnh: Ngọc Thắng

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các tỉnh phía nam (đặc biệt là TP.HCM) đã kiểm soát được 80% chất lượng thịt gia súc, gia cầm vì đã kiểm soát, quy hoạch các lò giết mổ. Ở phía Bắc, việc kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm chỉ mới được dưới 10%, nguyên nhân do nhiều tỉnh chưa có quy hoạch lò giết mổ. “Chúng tôi đang đôn đốc địa phương sớm quy hoạch”, Phó thủ tướng nói.

Riêng về chất lượng rau, “những hộ trồng rau để bán nhưng không dám ăn thì xã nào cũng biết nhưng chưa xử lý”, Phó thủ tướng nhận định. Phó thủ tướng báo cáo đã có đề án xã phải cam kết là xã trồng rau an toàn.

Quốc hội cũng “nóng” lên với vấn đề gà nhập lậu đang hoành hành trong thời gian qua. Theo phân tích của Phó thủ tướng, vấn nạn này gây tổn hại kinh tế vì không thuế, thâm hụt ngoại tệ (do giao dịch trả bằng ngoại tệ); ảnh hưởng sản xuất và tiêu thụ gà trong nước; ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Vì vậy, Phó thủ tướng “đề nghị bà con nhân dân và các ĐBQH không ăn gà nhập lậu”, đồng thời hứa đến 2013 sẽ hết gà nhập lậu.

“Chúng tôi muốn chọn con gà là thí điểm rồi sau đó sẽ chuyển sang những con khác để làm cho bữa ăn của chúng ta an toàn”, ông Nhân khẳng định.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.