Ngành chăn nuôi kêu cứu

10/11/2012 03:00 GMT+7

Bán lỗ dưới giá thành nhưng vẫn không tiêu thụ được do phải cạnh tranh với gia cầm nhập lậu và nhập khẩu giá rẻ, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang đứng bên bờ vực phá sản.

Tháo chạy

Ngày 8.11, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ với các chủ trại gà lớn nhất phía nam đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp để kêu cứu cho ngành chăn nuôi đang đứng bên bờ vực phá sản. Hiện các chủ trại gà trong nước hầu hết đều nuôi gia công cho 3 công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài là C.P, Emivest và Japfa. Đây là 3 doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị phần thịt gà trắng công nghiệp tại Việt Nam. Chỉ tính riêng các tỉnh khu vực phía nam (từ Đà Nẵng trở vào), sản lượng gà xuất chuồng trung bình mỗi tháng của 3 công ty này xấp xỉ 5,7 triệu con. Trong đó, C.P cung ứng khoảng 2,5 triệu con, Japfa khoảng 1,6 triệu con, còn lại là Emivest. Tuy nhiên, trước tình hình thua lỗ kéo dài, thịt gà trong nước không tiêu thụ được do gà nhập khẩu giá rẻ tràn vào đã khiến 3 doanh nghiệp này lẫn chủ trang trại nuôi gia công đều lâm cảnh bế tắc.

Hiện nay cả 3 doanh nghiệp này đều thực hiện giảm đàn, giảm sản lượng để cắt lỗ. Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi Japfa, xác nhận: “Trong vòng hơn 1 tháng nay, công ty chúng tôi đưa ra yêu cầu kéo giãn thời gian thả đàn mới từ một tháng rưỡi cho tới hai tháng, đồng thời giảm 50% số lượng đàn vì giá gà lông tụt giảm xuống mức quá thấp, công ty bị thua lỗ rất nặng nề”. Đại diện các công ty C.P, Emivest cũng xác nhận biện pháp giảm 30 - 50% đàn gà thịt. Ông Chamnan, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P cho hay, công ty này áp dụng loại bớt 30% đàn gà đẻ từ hơn một tháng nay để giảm đàn gà thịt nhằm cắt lỗ. “Gà đẻ đưa vào giết thịt sẽ giảm số trứng ấp ra gà giống, hòng giảm đàn gà thịt”, ông Chamnan cho biết.

Hiện nay giá gà trên thị trường thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg. Theo tính toán, Công ty C.P thả giống 600.000 con/tuần, mỗi tháng công ty lỗ đến 72 tỉ đồng. Công ty Emivest thả 1 tuần 500.000 con, lỗ 60 tỉ đồng/tháng. Công ty Japfa thả 1 tuần 400.000 con, lỗ 48 tỉ đồng/tháng. Một số chủ trang trại cho biết, hiện nay các công ty chăn nuôi nước ngoài tại VN đang giảm dần sản lượng, nhưng nếu tình hình xấu như vậy vẫn tiếp diễn đến năm sau thì họ sẽ tháo chạy khỏi VN.

Sẽ kiện bán phá giá

Ông Lê Văn Quyết - chủ trang trại gà ở Long Thành (Đồng Nai) phân tích: “Hiện nay gà thải loại từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều được xem là phế phẩm, người dân nước họ không ăn. Còn tại Mỹ, Brazil, ngoài phần ức gà được ưa thích thì các bộ phận còn lại như đùi, cánh... cũng được xem là phế phẩm. Chính vì vậy họ bán về Việt Nam với bất cứ giá nào. Ngoài thịt gà nhập khẩu chính ngạch, gà lậu từ Trung Quốc đưa sang, còn có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất để trốn thuế. Đó là lý do khiến thị trường trong nước hiện nay tràn ngập gà nhập khẩu giá rẻ, bóp chết ngành chăn nuôi trong nước”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cảnh báo: “Nếu 3 doanh nghiệp này chết thì tất cả chủ trại chăn nuôi miền Đông Nam bộ đều chết theo. Tạm tính 3 công ty này thả 10 tuần (thời gian từ nay đến tết) cần khoảng 1.000 chuồng trong dân, với vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng/chuồng thì tổng trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng. Với tốc độ thua lỗ thế này, từ nay đến tết, 3 công ty trên sẽ phá sản, nông dân nuôi gà sẽ thất nghiệp, vốn đầu tư của nông dân 70% vay từ ngân hàng sẽ không thể trả được. Cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến ngành chăn nuôi nhiều hơn, gấp rút thiết lập hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu, đồng thời kích thích chăn nuôi trong nước để cứu nông dân, cứu doanh nghiệp và cứu cả ngân hàng”.

Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ, đề xuất: “Khi gia nhập WTO, về nguyên tắc chúng ta không thể cấm hàng nhập khẩu nếu họ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với việc thịt gà giá rẻ tràn vào thì chúng ta có thể tiến hành kiện bán phá giá”. Đồng quan điểm này, ông u Thanh Long, Chủ tịch HĐQT Công ty chăn nuôi Duy Cường, khẳng định: “Thuế suất VN cao hơn các nước một chút nhưng chất lượng và năng suất VN hoàn toàn cạnh tranh với các nước chăn nuôi khác. Về nguyên tắc 2 kg cám mới cho ra 1 kg thịt gà, chưa kể các chi phí khác như tiền lương, điện nước... họ lại phải tốn chi phí vận chuyển từ lục địa khác về VN. Như vậy tại sao có mức giá nhập khẩu chưa đến 1 USD/kg? Đây là mức giá hết sức vô lý. Chúng ta hoàn toàn có thể kiện chống bán phá giá đối với các nước này”.

Sau khi thảo luận và có sự thống nhất cao từ các thành viên hiệp hội, ông Phạm Đức Bình cho biết: “Chúng tôi sẽ có công văn khẩn thiết kêu cứu kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý có giải pháp cứu ngành chăn nuôi trong nước, đồng thời tiến hành các thủ tục để kiện bán phá giá đối với thịt gà nhập khẩu từ nước ngoài”.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.