Thiếu người học trầm trọng

10/11/2012 03:15 GMT+7

Dù được hạ điểm sàn tuyển sinh thấp hơn 1 điểm so với quy định trước đó, nhưng đến nay nhiều trường ĐH ngoài công lập tại ĐBSCL vẫn không tuyển được người học.

Ông Nguyễn Cao Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), một trong những trường đang áp dụng “chính sách đặc thù” của Bộ, cho biết: “Chưa bao giờ việc tuyển sinh của các trường ĐH ngoài công lập ở ĐBSCL lại bết bát như hiện nay”. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Cửu Long năm nay là 3.280, nhưng hiện mới chỉ xét tuyển được khoảng 20%, tức khoảng trên 600 em và còn thiếu đến hơn 2.500 chỉ tiêu”.

 Lác đác thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Tây Đô
Lác đác thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Tây Đô - Ảnh: Tú Uyên

Trường ĐH Tây Đô (TP.Cần Thơ) cùng cảnh ngộ. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó hiệu trưởng cho biết, chỉ tính riêng chỉ tiêu hai bậc ĐH, CĐ, năm nay trường được xét tuyển 3.400. Đến nay, trường mới tuyển được hơn 1.300 thí sinh. Tình hình ở Trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) cũng khó khăn không kém. Ông Dương Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường không tuyển thêm được bao nhiêu vì vậy năm học mới số sinh viên rất ít ỏi”. Trong khi đó, vào thời điểm này, những năm trước, các trường ĐH trên đều đã hoàn tất tuyển sinh đạt từ 80% tổng chỉ tiêu trở lên.

Nói về nguyên nhân của những khó khăn trên, một giảng viên của Trường ĐH Tây Đô phân tích: Năm nay các trường ngoài công lập đều tăng chỉ tiêu từ 10 đến 20%. Ở nhiều trường công lập, một số ngành đào tạo lấy điểm rất thấp bằng với điểm sàn. Do vậy lượng thí sinh “lọt ra” các trường ngoài công lập còn rất ít. Ngoài ra, thời gian xét tuyển kéo dài nên hiện tại, các thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn đều đã chọn học CĐ, TC hoặc ôn thi lại… Chưa kể, các trường ngoài công lập còn phải chia sớt nguồn tuyển với nhau.

Nhiều chuyên gia giáo dục ở ĐBSCL nhận định, dù năm nay chính sách của Bộ chưa phát huy hiệu quả, nhưng trong những năm tới sẽ giúp các trường chủ động hơn trong xét tuyển. Khi ấy, đầu vào ở các trường ĐH sẽ rộng mở hơn đối với học sinh ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng đầu vào thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và đặt ra mối lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực sau khi ra trường.

Tú Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.