"Nóng" tranh luận việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng T.Ư

09/11/2012 18:25 GMT+7

(TNO) Tại phiên thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9.11, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận về việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương và ai là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính của tổ chức quan trọng này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất nên thành lập Ủy ban quốc gia về phòng chống tham nhũng dưới sự điều hành trực tiếp của Quốc hội. Ủy ban này là cơ quan phòng chống tham nhũng tối cao của đất nước và sẽ do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Nghĩa, ủy ban này có bộ máy riêng, tuy không chịu sự giám sát của Thường vụ Quốc hội nhưng vẫn phải chịu sự chất vấn thường xuyên của Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, ủy ban này cần độc lập nhưng không chia cắt, riêng rẽ với tư pháp và hành pháp.

“Mô hình trên phù hợp với hiến pháp, các nghị quyết của Đảng và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Quan trọng hơn, nếu áp dụng mô hình này, chúng ta không cần sửa chữa nhiều nội dung của dự luật mà vẫn có thể thực thi ngay việc phòng chống tham nhũng trong tình thế cấp bách như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) đề xuất Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương cần trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng bí thư đứng đầu.

Tuy không đồng ý việc lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở trung ương nhưng đại biểu Trần Đình Long (Đắc Nông) lại đồng tình việc phòng chống tham nhũng phải được giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng.

Ở góc độ khác, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng cần phải lấy ý kiến thêm trong việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương, nhưng trong lúc này cần có một cơ quan điều tra độc lập về phòng chống tham nhũng.

Theo ông Đương, cơ quan này chỉ tập trung điều tra các vụ tham nhũng lớn có liên quan đến vị trí bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở… Còn các vụ tham nhũng nhỏ, lặt vặt vẫn để cho các cơ quan điều tra hiện tại thực hiện, chứ không thể ôm hết được.

Ở phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) góp ý Ủy ban phòng chống tham nhũng nên thuộc quyền điều hành của Chủ tịch nước. Trên thực tế, ở một số nước, cơ quan phòng chống tham nhũng thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống và đem lại hiệu quả.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) kiến nghị cần thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội, có quyền điều tra, khởi tố và báo cáo trực tiếp trước Quốc hội.

Sáng mai (10.11), Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đình Quân

>> Phó chánh văn phòng BCĐ Phòng chống tham nhũng Gia Lai tự tử?
>> Buộc tiết lộ nguồn tin sẽ ảnh hưởng xấu đến phòng chống tham nhũng
>> Giao ban phòng chống tham nhũng
>> Tăng thẩm quyền cho cơ quan phòng chống tham nhũng
>> Khai trương Trang tin điện tử về phòng chống tham nhũng
>> Phòng, chống tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.