Giảm sự can thiệp của chính quyền

08/11/2012 03:20 GMT+7

Ở Hà Nội, tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa từng được mệnh danh là con đường “đắt nhất hành tinh”, với bình quân 1,1 tỉ đồng/m đường, trong đó chi phí bồi thường chiếm 80% tổng kinh phí dự án. Nhưng đây cũng là dự án điển hình của khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài kể cả sau khi dự án đã kết thúc nhiều năm.

Nhiều năm nay, sau rất nhiều lần sửa đổi, quản lý nhà nước vẫn chưa giải quyết thỏa đáng câu chuyện, tại sao chi phí bồi thường đã chiếm tỷ trọng quá lớn trong mỗi dự án nhưng vẫn không thỏa mãn được nguyện vọng của người bị thu hồi đất. Theo phân loại của Bộ TN-MT, trong khiếu nại hành chính về đất đai thì khiếu nại về giải quyết bồi thường, tái định cư không thỏa đáng chiếm 70,64%; khoảng 70% trong số đó là khiếu nại về giá đất quá thấp so với thị trường.

Như vậy, có thể thấy sự không nhất trí của người dân về giá là đáng kể nhất. Và đây cũng chính là nhược điểm của cơ chế hiện hành, chỉ dùng một giải pháp là tính chuyển đổi thiệt hại sang tiền, trong khi có nhiều giải pháp khác không cần chi phí quá nhiều mà người bị thiệt hại vẫn thấy thỏa mãn về lợi ích.

Giống như tất cả các nước tiếp thu lý thuyết về địa tô của Marx, chỉ chấp nhận chế độ sở hữu nhà nước hoặc sở hữu toàn dân về đất đai, và đó là cơ sở để luật Đất đai của VN chỉ thực hiện cơ chế chuyển đổi đất đai bắt buộc, dựa trên các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ. Chính vì vậy, mặc dù luật yêu cầu sử dụng giá thị trường để định giá bồi thường đất đai, nhưng không có quy định về thủ tục thực hiện định giá đất đai theo thị trường. Và trên thực tế, UBND cấp tỉnh vẫn quy định giá mà không có bất kỳ phương thức nào để phán xử khi có bất đồng về giá. Cơ chế chuyển đổi đất tự nguyện manh nha trong luật Đất đai 2003 cũng sớm đi vào ngõ cụt khi thiếu cơ chế pháp luật hỗ trợ thực hiện.

Giải quyết vấn đề khiếu nại đất đai cũng không có cách nào khác là phải đi từ căn nguyên. Việc này cũng sẽ có nhiều thuận lợi khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai một lần nữa khẳng định cơ chế tự thỏa thuận của nhà đầu tư với người sử dụng đất (chuyển đổi tự nguyện), bên cạnh cơ chế thu hồi đất của nhà nước (chuyển đổi bắt buộc) trong các dự án vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng.

Chỉ có điều, tinh thần này sẽ phải được các nhà lập pháp biến thành các điều luật như thế nào để tránh thất bại như luật năm 2003. Trong trường hợp này, cần phải có cơ chế hỗ trợ, chẳng hạn khi nhà đầu tư đã đạt được thỏa thuận với chủ sử dụng của 80% diện tích dự án, sẽ cần một quyết định hành chính để thu hồi đối với 20% diện tích còn lại, chủ sử dụng cố tình đòi giá quá cao.

Cơ chế thu hồi bắt buộc dựa trên các quyết định hành chính của chính quyền cũng cần sửa đổi sao cho giảm bớt tác động trực tiếp của bộ máy hành chính và đưa gần hơn với nguyên tắc đồng thuận về chia sẻ lợi ích. Kinh nghiệm cho thấy, sự tham gia của cộng đồng dân cư và người có đất bị thu hồi trên cơ sở vận hành dự án dạng “cộng đồng tham gia phát triển” ở Hàn Quốc, Úc, Mỹ… còn làm giảm chi phí đầu tư và giảm cả khiếu kiện của người bị thu hồi đất.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.