Nhiều tiêu cực, sách nhiễu trong quản lý nhà nước về đất đai

07/11/2012 19:55 GMT+7

(TNO) Chiều nay 7.11, trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhìn nhận việc quản lý nhà nước về đất đai là có vấn đề. Đồng thời, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng chính quy hoạch đất chưa hợp lý đã gây ra nhiều bức xúc, khiếu nại trong nhân dân.

Quản lý nhà nước về đất đai có vấn đề

ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng hiện còn tồn tại nhiều tiêu cực, sách nhiễu trong quản lý nhà nước về đất đai.

“Đi tiếp xúc cử tri nhiều người nói cán bộ ép dân quá, bảo nhận quyết định (thu hồi) đi rồi khiếu nại sau, nhưng khi nhận quyết định rồi thì, đi khiếu nại thì sự việc bị “trùm mềm” không giải quyết”, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) nói thêm.

ĐB đề nghị: “Cán bộ làm không được thì cho chuyển công tác”.


ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) nêu ý kiến về nguyên nhân khiếu nại đất đai kéo dài - Ảnh: Ngọc Thắng

Bên cạnh đó ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu chủ trương của Đảng và Nhà nước là luôn đảm bảo vấn đề bồi thường, nơi ở mới đối với người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, phần lớn người dân bị thu hồi đất bị thiệt thòi do giá đất mới cao so với giá cũ, văn hóa xã hội ở nơi ở mới không được đảm bảo.

ĐB Lợi cũng đề nghị cần hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước trong việc thu hồi đất. “Vừa qua việc thu hồi nhiều dự án đất đai phải điều cả công an, bộ đội, trong khi trước đó không có sự giải thích, can thiệp của các tổ chức đoàn thể cho dân hiểu”, ĐB Lợi nói.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang nhìn nhận vấn đề đất đai của chúng ta có tính lịch sử, rất phức tạp mà chúng ta cần phải chú ý. Song nguyên nhân chính vẫn là chủ quan. Trong đó, các quy định pháp luật, văn bản liên quan đến đất đai phức tạp, chồng chéo làm việc quản lý, thi hành khó khăn; hiểu biết về pháp luật đất đai của nhiều người dân còn hạn chế.

Cụ thể, Bộ trưởng nêu ra các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đồng thời còn có thêm 20 luật khác có liên quan đến vấn đề đất đai. “Tổng cộng hiện nay chúng ta có khoảng 300 văn bản liên quan đến xử lý đất đai”, ông Quang cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quang thừa nhận việc thực thi công vụ đất đai, đặc biệt là cán bộ làm việc trong lĩnh vực này là nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến các khiếu nại của người dân.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang nhìn nhận việc quản lý Nhà nước về đất đai là có vấn đề - Ảnh: Ngọc Thắng

“Cần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai. Hiện nay, việc quản lý nhà nước về đất đai là có vấn đề. Chúng tôi là người trong ngành tự nhận thấy còn yếu”, Bộ trưởng Quang nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị địa phương làm hết trách nhiệm trong việc xử lý khiếu nại tố cáo của người dân. “Tôi thấy có nhiều vụ việc lẽ ra địa phương làm tốt thì người dân đã không lên Trung ương”, ông Quang đánh giá.

 

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10.2012, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã thành lập 23 tổ công tác, rà sát 53 tỉnh, thành để phân loại và thống nhất phương án giải quyết 528 vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài. Trong đó, có những vụ kéo dài trên 20 - 30 năm. TP.HCM, Tiền giang và Bình Phước là những địa phương có số vụ tồn đọng nhiều nhất.

Đến ngày 30.10, đã rà soát 513/528 vụ việc. Có 58 vụ sau khi đối thoại, người dân rút khiếu nại. Một số vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng người dân vẫn khiếu nại, Tổng thanh tra Chính phủ đang đề xuất Chính phủ là không thụ lý nữa vì không còn gì để giải quyết.

Mặt khác, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và trình QH sửa đổi luật Đất đai cũng như nhiều bộ luật khác liên quan đến luật Đất đai nếu không sửa đổi đồng bộ thì thực hiện rất khó khăn.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, theo luật Đất đai và pháp luật về giải quyết các vụ án hành chính hiện hành thì tùy theo vụ việc mà tòa án hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.

Vì vậy, theo ông Bình điều này hạn chế quyền giải quyết của tòa án nên cần điều chỉnh vì người dân có quyền chọn chính quyền giải quyết hoặc ra tòa.

Quy hoạch đất chưa hợp lý

Ở một góc độ khác, nhiều ĐB phân tích việc để xảy ra khiếu nại, tố cáo đất đai kéo dài bắt nguồn từ khâu quy hoạch đất đai, chuyển dịch cơ cấu của địa phương chưa hợp lý.

“Nhiều địa phương ồ ạt chuyển dịch từ nông nghiệp qua công nghiệp tràn lan, rồi thu hồi đất, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp của người dân. Trong khi đó lại chưa có nguồn lực đầu tư cho công nghiệp nên đất thu hồi bị bỏ hoang, gây bức xúc cho người dân”, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) phân tích.

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho biết qua các cuộc tiếp xúc, cử tri phản ánh hiện có nhiều khu đô thị, sân golf chiếm dụng diện tích đất rộng lớn nhưng không sử dụng để cho hoang hóa, rất lãng phí.

Từ đó bà Lan chỉ ra vấn đề quy hoạch đất hiện nay còn thiếu sự minh bạch, không được công khai, không có sự phản biện của chuyên gia, lấy ý kiến của địa phương - nơi được quy hoạch.

Ngoài ra, việc quy hoạch đất nhiều khi không xem xét vấn đề bảo vệ môi trường, dân cư, nông nghiệp.

Từ những ý kiến trên, ĐB Lan kiến nghị: “Nên xây dựng bộ tiêu chí chung trong vấn đề quy hoạch đất đai từ Trung ương tới địa phương để làm sao hài hòa được lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư và người dân có đất”.

Nguyên Mi - Trung Hiếu

>> Khiếu nại, tố cáo đất đai: Nhiều cán bộ bao che cho cấp dưới làm sai
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Chống tham nhũng trong quản lý đất đai
>> Dự luật Đất đai sửa đổi: Chưa “bịt” được kẽ hở tham nhũng
>> Khiếu nại tố cáo về đất đai rất nghiêm trọng !
>> Thảo luận về luật Đất đai, Thuế thu nhập cá nhân...
>> Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất
>> Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.