Lợi nhuận ngân hàng suy giảm

07/11/2012 03:10 GMT+7

Kinh doanh vàng thua lỗ, trích lập dự phòng tăng do nợ xấu, tỷ lệ tín dụng tăng trưởng thấp… là những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua của nhiều ngân hàng bị sụt giảm mạnh và thua lỗ.

Việc thua lỗ trong quý 3/2012 của Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) với mức 520,67 tỉ đồng khiến cổ đông và nhiều người ngạc nhiên. Theo giải thích, kết quả này là do hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng bị lỗ. Trước đó, theo quy định của NHNN, việc huy động vốn bằng vàng phải chấm dứt vào ngày 25.11.2012 nên NH phải mua vàng giá cao để đáp ứng yêu cầu này dẫn tới bị lỗ. Số lỗ của quý 3 này đã khiến cho mức lợi nhuận của ACB 9 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh, chỉ còn 1.086,9 tỉ đồng so với con số lợi nhuận 1.858 tỉ đồng cùng kỳ năm 2011.

Không bị lỗ như ACB nhưng lợi nhuận của một số NH khác cũng giảm mạnh. Ví dụ như NH TMCP Nam Việt (NVB) quý 3 chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 6,57 tỉ đồng, giảm 87,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, NVB đạt lợi nhuận sau thuế là 98 tỉ đồng trong khi 9 tháng đầu năm 2011 đạt đến 147,42 tỉ đồng. Hay lợi nhuận sau thuế quý 3/2012 của NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng chỉ đạt 67,6 tỉ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, NH đạt lợi nhuận 467,9 tỉ đồng, giảm hơn 52% so với 9 tháng năm 2011. Giải thích chung của một số NH đều cho thấy, do thực hiện chủ trương của NHNN về việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ xuống tối đa 15% đã khiến cho doanh thu và lợi nhuận của NH giảm mạnh cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu gia tăng cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các NH khi phải gia tăng trích lập dự phòng. Cụ thể, ACB 9 tháng đầu năm nay đã trích lập gần 576 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2011; NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trích lập 2.563,35 tỉ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ 2011; NH TMCP Công thương Việt Nam đã trích lập 2.751 tỉ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái…

Lợi nhuận ngân hàng suy giảm
Ngân hàng ACB bị giảm lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm - Ảnh: D.Đ.M

Khó lạc quan

Thông thường quý 4 sẽ là cơ hội cho các NH đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vì nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ gia tăng. Tuy nhiên theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, hiện nay kinh tế vẫn tăng trưởng ì ạch, doanh nghiệp không đẩy mạnh sản xuất thì NH muốn tăng cho vay cũng không dễ. “Tín dụng khó tăng, đầu tư ngoài ngành hết thời, ủy thác đầu tư bị xiết chặt. Giải pháp xử lý nợ xấu còn đang loay hoay trên giấy thì rõ ràng việc tìm kiếm lợi nhuận của NH trong năm nay gặp nhiều bất lợi hơn thuận lợi”, TS Lê Thẩm Dương nói.

Nguồn thu chính của hầu hết NH thương mại là tín dụng nhưng tăng trưởng chỉ tiêu từ đầu năm tới nay vẫn khá thấp. Theo báo cáo vĩ mô tháng 10 của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 10 chỉ ở mức 2,77% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều mức tăng 8,61% cùng kỳ năm 2011. Chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các NH thương mại tại Việt Nam đều có hơn 90% lợi nhuận thu được từ tín dụng. Do vậy khi tín dụng tăng trưởng thấp thì chắc chắn lợi nhuận của NH cũng thấp. Bên cạnh đó, việc phải giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ đồng loạt về mức 15% theo quy định của NHNN cũng khiến các NH thất thu khá nhiều so với năm 2011 khi lãi suất cho vay ở mức trên 20%/năm... Vì vậy chuyên gia này cho rằng chưa nhìn thấy điểm sáng nào cho hệ thống NH để cải thiện lợi nhuận trong quý 4 sắp tới. Bởi việc tăng trưởng tín dụng không thể gia tăng mạnh trong khi những lĩnh vực kinh doanh khác như  vàng đã ẩn chứa nhiều rủi ro.

Lách trần lãi suất là tự gây khó cho mình

Một số NH vẫn “lách” huy động tiền gửi vượt trần lãi suất quy định 9%/năm nhưng theo TS Lê Thẩm Dương, điều này lại càng gây khó khăn cho bản thân NH. Bởi không dễ gì tăng lãi suất đầu ra vì các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa.

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, năm 2012 có 32 tổ chức tín dụng được thanh tra toàn diện. Nhiều NH thương mại báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ. Có NH tăng đến hơn 50 lần số nợ có khả năng mất vốn so với cuối năm 2011 trong khi hầu hết các ngân hàng lớn có khoản nợ nhóm này tăng gấp đôi.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.