Cơ hội đầu tư ở Myanmar

07/11/2012 04:00 GMT+7

Luật Đầu tư nước ngoài mới của Myanmar vừa được Tổng thống Thein Sein phê chuẩn được dự báo sẽ mở đường cho một làn sóng đầu tư đổ vào quốc gia này.

Làn sóng đầu tư nước ngoài

Luật Đầu tư nước ngoài được Myanmar ban hành trước khi kết thúc năm 2012 cho thấy quyết tâm cải cách kinh tế của chính phủ theo sau những đổi mới về chính trị. Những đổi thay này đã hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Suzuki mới đây thông báo dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô tại khu kinh tế đặc biệt Thilawa, cách Yangon 25 km và chính thức hoạt động vào năm 2015, thời điểm thị trường chung ASEAN hình thành. Pepsi đã đạt được thỏa thuận với đối tác địa phương để phân phối sản phẩm, tiếp đó sẽ là việc xây dựng nhà máy tại Myanmar. Mới đây, lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi doanh nghiệp của mình đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar dù trước đó một số dự án của Trung Quốc bị chính phủ Myanmar từ chối.

Thái Lan là một trong những nước tận dụng cơ hội tốt nhất từ khi chính quyền Myanmar chưa thực hiện cải cách chính trị, trước hết nhờ vào vị trí địa lý cận kề. Thái Lan cung cấp hàng cho Myanmar và cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít ỏi và thô sơ nhiều nhất của Myanmar. Các nhà đầu tư Thái Lan tận dụng lao động giá rẻ di cư từ Myanmar sang để sản xuất sản phẩm xuất ngược trở lại thị trường nước láng giềng.

Chỉ đứng sau Trung Quốc, Thái Lan đầu tư gần 10 tỉ USD vào Myanmar tính đến tháng 7.2012. Phần lớn đầu tư của Thái Lan trong thời gian vừa qua là trong lĩnh vực dầu khí. Nhiều DN Thái Lan có kế hoạch đầu tư vào Myanmar, trước mắt DN dệt may sẽ vào trước để tận dụng lao động giá rẻ chỉ bằng 1 phần 3 giá nhân công ở Thái Lan. Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi kết thúc cuộc họp nội các liên chính phủ với Việt Nam đã đến Myanmar. Mục đích chuyến đi là đại dự án xây dựng cảng nước sâu Dawei ở Myanmar trị giá 8,6 tỉ USD kết nối với cảng Laem Chabang của Thái Lan và đẩy mạnh thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Vài năm gần đây, DN Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thị trường Myanmar. Các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư được tiến hành. Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar, các DN Việt Nam quan tâm nhiều đến cơ hội thương mại trong khi đầu tư chưa được chú ý nhiều. Trao đổi với Thanh Niên, ông Anh cho biết luật đầu tư mới của Myanmar sẽ mở cánh cửa khá rộng cho nhà đầu tư nước ngoài. Cũng giống Việt Nam thời mới mở cửa, Myanmar cần kỹ thuật, công nghệ, vốn, trong khi cơ sở hạ tầng, viễn thông, trình độ sản xuất công nghiệp còn rất lạc hậu. Myanmar khuyến khích đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực.

Theo bản dự thảo luật đầu tư nước ngoài mới của Myanmar, có 13 lĩnh vực hạn chế đầu tư nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước, phần lớn là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Anh cho rằng những lĩnh vực DN Việt Nam có thể tham gia đầu tư là hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may, giày dép, vỏ ruột xe… Vì khuyến khích đầu tư nước ngoài nên Myanmar ưu đãi về thuê đất, thuế, vốn đầu tư và tỷ lệ trong liên doanh có lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như theo luật hiện hành, thuê đất chỉ được 30 năm và gia hạn thêm 15 năm (2 lần), luật mới dự kiến sẽ là 50 năm và gia hạn 10 năm (2 lần), được miễn thuế 5 năm thay vì 3 năm. Hoặc thuế thu nhập DN chỉ còn 25% thay vì 30% như trước, thuế thương mại (thuế tiêu dùng) là 10%.

Cho đến nay, Việt Nam đầu tư khoảng 43 triệu USD vào Myanmar. Dự án lớn trị giá 300 triệu USD của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng căn hộ văn phòng đang chờ giấy phép chính thức sau khi đã được đồng ý về nguyên tắc. Theo đánh giá của giới tư vấn đầu tư, khó khăn khi đầu tư vào Myanmar chính là cơ sở hạ tầng, Myanmar thiếu quy định luật pháp, hệ thống tài chính ngân hàng, viễn thông liên lạc chưa phát triển.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

>> Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ
>> Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ
>> Cháy kho thủ công mỹ nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.