Tổng số dư nợ công 2011 giảm 1,9% so với năm 2010

01/11/2012 11:29 GMT+7

(TNO) Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi tới các đại biểu quốc hội, trong cơ cấu chủ nợ thì Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất với tỷ lệ 17%, kế tiếp là Ngân hàng Thế giới 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á 8%, còn lại là từ các chủ nợ khác.

>> Kiểm soát chặt chẽ nợ công
>> Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thể coi thường nợ công
>> Nợ công của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro
>> Thảo luận tại nghị trường Quốc hội: Lo ngại nợ công tăng trong năm 2011

Theo báo cáo, tổng số dư nợ công đến ngày 31.12.2011 bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010, chủ yếu là nhờ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, giảm mức bội chi ngân sách nhà nước; việc ưu tiên bố một phần từ nguồn tăng thu ngân sách hàng năm để tăng chi trả nợ của Chính phủ, giảm nợ công.

Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% và bằng 43,1% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 21% tổng số dư nợ công và bằng 11,7% GDP; nợ chính quyền địa phương chỉ chiếm khoảng 1,0% tổng dư nợ, bằng 0,5% GDP.

Lãi suất vay của các khoản nợ công nói trên chủ yếu là dài hạn (vay ODA) với các mức ân hạn, không lãi suất trong một thời gian và lãi suất ưu đãi với mức thấp.

Khẳng định để đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển, Chính phủ cho hay xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục; chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng, nhất là việc chuyển đổi các điều kiện vay áp dụng cho Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình; trong cơ cấu danh mục nợ công hiện tại vẫn còn có một số rủi ro.

Theo đó, Chính phủ xác định đến năm 2015, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Có nhiều giải pháp chủ yếu để tăng cường quản lý nợ hiệu quả, đảm bảo an toàn nợ được đề ra, trong đó đáng chú ý là trước mắt Chính phủ chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay trong nước. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tính tới ngày 21.11.2011, riêng bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ hơn 10,5 tỉ USD tại 91 dự án, trong đó có 20 dự án đã hoàn trả hết, còn 71 dự án đang trả nợ với tổng vốn cam kết 9,83 tỉ USD. Trong số này, ngành điện được ưu ái nhất với 5,5 tỉ USD, kế đến là hàng không 1,7 tỉ USD, xi măng gần 1,2 tỉ USD, dầu khí hơn 460 triệu USD, giấy 400 triệu USD, còn lại những lĩnh vực khác. (Anh Vũ)

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.