Có một xã hội cà phê

01/11/2012 19:19 GMT+7

Cà phê được loài người biết đến từ cả ngàn năm nay nhưng trước thế kỷ 17 cũng chỉ lan truyền trong khu vực chịu ảnh hưởng của đạo Islam ở Trung Đông và Bắc Phi với giới điều cấm tửu của kinh Qu’ran.

Thức uống dù là chế biến bằng những thứ cây cỏ tự nhiên hay trồng tỉa không chỉ mang tính cách sinh hóa học của nó mà còn in đậm dấu vết của văn hóa do các tộc người và xã hội đã thiết kế và sử dụng nó, từ nhu cầu nghi lễ tế tự đến thực dụng hàng ngày.

Vì vậy từ hơn 300 năm nay khi cà phê lan tỏa ra khắp thế giới - riêng với Việt Nam thì từ hơn trăm năm nay bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 - nó đã mang lại những biến cải xã hội nhất định. Chúng ta thử xem những biến đổi này ở một vài phương diện nhất định.

Trong hàng ngàn năm với sự phân cách trong gia đình và cả trong xã hội theo giới tính cũng như sự thiên trọng nam tôn nữ ti nên việc uống trà với những nghi thức nghiêm túc và những đạo cụ riêng biệt của nó chỉ dành cho nam giới thuộc tầng lớp ưu tú trong xã hội - Đó là không kể việc uống trà đơn sơ của người bình dân không cần dụng cụ chuyên biệt và nghi thức phiền toái, gần như chỉ cần đáp ứng nhu cầu giải khát và gặp gỡ.

Khi cà phê xâm nhập vào xã hội phương Đông, tính cách xa lạ và ngoại lai của thứ thức uống này đã phá vỡ những tập tục cứng nhắc gắn liền với việc uống trà và cởi mở cho mọi tầng lớp giàu nghèo sang hèn và nam nữ đều có thể san sẻ giao lưu qua cốc cà phê. Đây quả thực là một không gian công cộng mở ra với xã hội cà phê.

Một yếu tố nữa cần phải kể đến là trong khi trà gắn liền với không khí tại nhà và hình ảnh của quá khứ thì cà phê lại đi kèm với không khí của hàng quán thị trường và hình ảnh của tương lai đổi mới. Vì vậy cà phê có một hấp lực rất mạnh đối với cư dân thành thị và giới trẻ vốn chiếm đa số trong những đất nước đang phát triển.

Mỗi thức uống đều mang theo những giá trị biểu tượng về văn hóa của nó. Cà phê không phải là thổ sản của châu u, mà là của châu Phi và biểu tượng văn hóa nguyên thủy của nó là tín ngưỡng của đạo Islam với các tu sĩ huyền môn phái Sufi. Tuy nhiên, khi cà phê tới với xã hội Á Đông lại là qua tiếp xúc với Tây phương. Vì vậy việc áp dụng thứ thức uống này mang cả hào quang tân tiến hiện đại của phương Tây, không những với sức mạnh của tàu to súng lớn, mà còn cả khoa học, công nghệ, và tri thức cấp tiến của một nền văn minh đã nỗ lực vượt khỏi áp bức của thần quyền trong thời Phục hưng, khai triển trí tuệ con người trong thời Khai sáng, và làm được những cuộc cách mạng thoát khỏi những cái ách của đế quốc như cách mạng Hoa Kỳ 1776 và mở ra kỷ nguyên dân chủ, nhân quyền như Đại cách mạng Pháp 1789.

Với một khoản tiền nhỏ bé khiêm tốn, người tiêu thụ càphê có thể tham gia vào sinh hoạt giao lưu xã hội bình đẳng và cởi mở để có thể trao đổi tâm tình, thông tin, tri thức và bằng hữu.

Những quán cà phê thân thiện với không gian tự nhiên của cây cỏ, sân vườn với sinh hoạt nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, với sự tập trung tinh thần để trầm tư, thiền định, tĩnh tâm - đã thay đổi khung cảnh xã hội châu u trước kia chỉ biết ngập tràn trong bia rượu và náo nhiệt của không khí giác đấu, rạp xiếc, và gây gổ, bạo động.

Không khí của cà phê là lắng đọng, trở về nội tâm, và mở ra để tiếp cận với những người cùng đồng thanh đồng khí đã có một sự biến đổi thầm lặng nhưng rất sâu xa về mặt xã hội.

Với vài ngàn quán ở thế kỷ 17 trong mỗi đô thị, đến thế kỷ 20 và 21, trong mỗi thành thị lớn bây giờ người ta có thể đếm được đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn quán cung ứng cho nhu cầu khách hằng ngày càng gia tăng chóng mặt.

Có thể nói không cường điệu rằng có một con người cà phê và một xã hội cà phê trưởng thành cùng với một giai đoạn văn minh, xứng đáng với tầm vóc sáng tạo của thế giới mới: toàn cầu kết nối trong hòa bình và thân thiện.

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.