Công khai tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam

31/10/2012 03:10 GMT+7

Ngày 30.10, tại TP.HCM, Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức hội thảo khoa học “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam”.

Trước những ý kiến của các nhà nghiên cứu đề nghị cơ quan lưu trữ cần tạo điều kiện thuận lợi để họ có điều kiện tiếp cận, đồng thời công bố công khai những tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương cho biết: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện là một điểm nóng chính trị của khu vực. Việc chúng ta đưa ra những căn cứ xác thực có tính pháp lý từ nguồn tài liệu lưu trữ là một việc làm hết sức cấp bách. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan lưu trữ sẽ rộng cửa để các nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn tài liệu này”.

Hiện Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 và 2 đang bảo quản rất nhiều châu bản triều Nguyễn khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhiều tài liệu gốc quý hiếm bằng tiếng Pháp quy định về việc đi lại qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam; các nghị định, quyết định thiết lập chế độ hành chính ở các địa phương biên giới và các hải đảo như Hoàng Sa và Trường Sa, điển hình như năm 1932, Nghị định số 156-QC của Chính phủ bảo hộ Pháp thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế), và nghị định này xác nhận bởi Dụ số 10 của hoàng đế Bảo Đại ngày 8.3.1938…

Đình Phú

>> Hội thảo Biển đảo Việt Nam tại Boston
>> Hội thảo tại Mỹ về biển đảo Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.