Kịch cà phê thay tấu hài

27/10/2012 08:58 GMT+7

Kịch cà phê có xu hướng phát triển rộng ở TPHCM đang tạo nên nét văn hóa riêng trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Với sự tinh gọn trong dàn dựng và biểu diễn, mô hình “kịch cà phê” đang được nhân rộng ở các quán bar từ nội thành đến ngoại thành, chiếm dần thị phần hoạt động của tấu hài đang mất khách.

Gặp thời

Trên thực tế, việc mang kịch và các bộ môn nghệ thuật khác như ngâm thơ, ca nhạc, cải lương ra trình diễn, giới thiệu ở các quán cà phê là chuyện không mới. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, khán giả trẻ đã bắt đầu chọn “kịch cà phê” như một nhu cầu mới, nhằm thay thế tấu hài đang ngày càng “nhảm”.

Mô hình kịch cà phê đã có nhiều năm nay, khởi đầu là Cà phê Bệt (57A Tú Xương, quận 3 - TPHCM) do 2 nghệ sĩ trẻ Đỗ Thanh Lâm và Nguyễn Thiên Kim gầy dựng. Từ đó mô hình này nhân rộng ở nhiều nơi, với dàn kịch mục lên đến gần 70 vở của hơn 20 nhóm kịch. Mỗi nhóm hiện nay có đến 4-5 vở, diễn luân phiên vào các tối cuối tuần.

 Kịch cà phê thay tấu hài
Một vở kịch diễn ở Cà phê Bệt

Ở khu vực nội thành,  ngoài Bệt, Tâm Ngọc, còn có các quán Nhện (288/5 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận), Lít (3/13 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận), Yumi (208 Hòa Hưng, phường 13, quận 10), Jolie Coffee (850 Sư Vạn Hạnh, quận 10)... Có những vở hay những nơi này thu hút hơn 150 khán giả/đêm, có suất hơn hẳn lượng vé bán ở các sân khấu kịch dài. Mỗi quán đều cố gắng tạo dựng nét riêng nhằm thu hút khán giả.

 

Nét văn hóa

NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, nhận định: “Bằng sự đầu tư nghiêm túc, kịch cà phê đã tạo được thành quả khi xu hướng này đang thay dần những tiểu phẩm tấu hài quá cũ để đi vào những câu chuyện có nội dung lành mạnh, lên án lối sống tiêu cực, đề cao tính nhân văn. Một số vở diễn của kịch cà phê chưa đạt chất lượng, chúng tôi đã đề nghị không cấp phép, đồng thời góp ý sửa chữa để duyệt phúc khảo. Tôi nghĩ rằng kịch cà phê sẽ là một nét đặc trưng mới trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật của công chúng TPHCM”.

Sân khấu chỉ rộng hơn 2 m2 nên việc dàn dựng kịch phải hết sức tinh gọn. Cảnh trí, đạo cụ và phục trang phải giảm tối đa. Nhìn vào kịch mục của Cà phê Bệt sẽ thấy rất phong phú: Thám tử bất đắc dĩ (chuyển thể từ tác phẩm Đoạn tuyệt của Nhất Linh), Ngao Sò Ốc Hến, Tình sống - tình chết, Sau một cơn dông và Đỏ. Sân khấu Tâm Ngọc có các vở: Ma Búp bê, Hồn về từ đáy mộ, Mổ xác… nhận được lời khen của khán giả bởi cách dàn dựng hài pha kinh dị.
 
Cà phê Yumi có vở Tử thần và linh hồn 9X  nói về thế hệ trẻ hiện nay rơi vào trạng thái thất tình, ủy mị và cảnh báo những vấn đề tiêu cực; nhóm kịch Hướng Dương của Jolie Coffee ra mắt vở Lu xu bu, tối 24-10, thu hút hơn 120 khán giả. Tham gia diễn ở đây phần lớn là những diễn viên trẻ, có người đang cộng tác tại các sân khấu Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận…

Kết nạp thêm nghệ sĩ hài

Trong khi tấu hài đang tàn lụi thì nhiều nghệ sĩ hài đã tìm đến với kịch cà phê. Các sàn kịch cà phê cũng đã làm mới mình bằng cách thu nạp nghệ sĩ hài để làm tăng thêm hương vị cho vở diễn. Nghệ sĩ Kiều Mai Lý cho biết: “Thay vì chạy sô diễn tấu hài, chúng tôi có điều kiện hóa thân trong các nhân vật của kịch cà phê.
 
Diễn viên, đạo diễn trẻ rất năng động, nhiều ý tưởng sáng tạo nên đã kéo mình theo, hòa trong những chuyện kịch mang nhịp sống thời đại. Có khi ở quán này tôi đóng vai bà mẹ, chạy qua quán khác đóng vai bà ngoại. Những câu chuyện có nội dung tốt, hình thức dàn dựng gọn nhẹ, sinh động nên được khán giả đón nhận”.
 
Chị Lý cho biết “dân” tấu hài hiện nay chuyển sang diễn kịch cà phê rất nhiều. Kịch cà phê cũng là nơi tìm đất dụng võ của diễn viên trẻ. Diễn viên Hoàng Nhân của Sân khấu Kịch Tâm Ngọc nói: “Chúng tôi mới ra trường rất cần điểm diễn, các anh chị nghệ sĩ đi trước chính là cầu nối để nâng chúng tôi lên. Diễn ở đây cũng là cách tích lũy kinh nghiệm”.
 
Dù vậy, việc xin giấy phép mở kịch cà phê không đơn giản, giá thuê mặt bằng lại quá cao nên các nhà đầu tư bước đầu phải chịu lỗ để duy trì điểm diễn. Anh Phạm Vũ Kiên, một doanh nhân, vì ham mê kịch đã thuê mặt bằng tại tầng thượng siêu thị Maximark Cộng Hòa - TPHCM để gầy dựng Sân khấu Kịch Tâm Ngọc.
 
Anh cho biết: “Sân khấu của tôi hoạt động đã được 5 tháng. Khán phòng chỉ hơn 100 ghế, có suất khán giả đông kín nhưng có suất chỉ nửa khán phòng. Mỗi vé xem kịch giá 80.000 đồng bao gồm nước uống. Phần lớn các diễn viên trẻ tham gia diễn nên cát sê không cao, chỉ tầm 1, 2 triệu đồng mỗi suất. Nhờ anh em diễn viên đồng cam cộng khổ với nhà tổ chức mới có thể duy trì hoạt động, dựng thêm vở mới”.

Theo Bài và ảnh: Thanh Hiệp / Người Lao Động

>> Xem tấu hài Nhật Bản
>> Tấu hài đang chết
>> Kịch cà phê
>> Kịch cà phê
>> Kịch cà phê đi... du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.