Không có chuyện bù lỗ vàng cho NH

26/10/2012 03:30 GMT+7

Chống đô la hóa, vàng hóa thông qua chấm dứt huy động, cho vay vàng; kiên quyết không bình ổn giá vàng để bù lỗ cho các ngân hàng... là một loạt giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước khẳng định nhằm đảm bảo quyền lợi người dân, người giữ vàng và sự ổn định của nền kinh tế.

Bài toán chống đô la hóa và vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đạt được kết quả bước đầu khi, hôm qua (25.10) cơ quan này cho biết, chỉ tính từ tháng 4.2012 đến nay các ngân hàng (NH) mua được 60 tấn vàng, còn NHNN đã “hút” được thêm 10 tỉ USD. Chỉ trong ngày hôm qua, NHNN cũng tuyên bố đã mua được thêm 100 triệu USD, tăng bổ sung cho Quỹ dự trữ ngoại hối. Với 60 tấn vàng mua được trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ bản cân bằng được trạng thái vàng, không còn bị thiếu hụt như trước. Tuy nhiên, hiện trên toàn hệ thống, tính toán sơ bộ, các NH đang bị thiếu 20 tấn vàng cần để “đóng” trạng thái, trong đó có 3 NH khó khăn nhất thiếu hụt 8 tấn.

Lại giãn thời gian dừng huy động vàng

Song song với lượng ngoại tệ, vàng “mua và hút” vào như trên, gửi tiết kiệm trong hệ thống NH cũng tăng khá mạnh, ước đạt 23,3% từ đầu năm tới nay. Nhưng điều đáng nói là trong khi VNĐ tăng 28,76% thì USD giảm 5,33%. Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN cho biết, những số liệu trên chứng tỏ công cuộc chống đô la hóa và vàng hóa đã đi đúng hướng. Nhờ nguồn tiền này các NH đã cải thiện được thanh khoản đáng kể.

Về căn nguyên của đợt biến động vàng vừa qua, NHNN cho biết, chủ yếu do các TCTD những năm qua đã huy động vàng, mang đi kinh doanh tiền đồng, cho vay... hưởng lãi cao. Đến nay giá vàng tăng, phải mua lại giá cao, dẫn tới thua lỗ nên phải tự gánh chịu. Nhà nước không thể đứng ra nhập vàng để giải quyết hộ. Vừa rồi, cơ quan này cũng đã “ép” các NH phải mua vàng để bù đắp thiếu hụt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người gửi.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, do quý 4, vào cuối năm luôn là thời gian các NH phải chịu nhiều áp lực về thanh khoản khi doanh nghiệp rút tiền thanh toán lương, thưởng; chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm sau. Vì vậy, để tránh các NH gặp khó khăn gây căng thẳng cho hệ thống về thanh khoản, gây bất ổn nền kinh tế, sau khi cân nhắc, NHNN quyết định giãn thời hạn tất toán trạng thái vàng sau 25.11.2012, thời gian cụ thể để chấm dứt sẽ không quá lâu và được tính bằng “tháng”.

Không có chuyện bù lỗ vàng cho NH
Các TCTD những năm qua đã huy động vàng, mang đi kinh doanh tiền đồng, cho vay... hưởng lãi cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vàng sẽ chịu nhiều loại thuế

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định nhà nước không cấm mua bán, tích trữ vàng. Tới đây khi chấm dứt huy động, người dân nếu không gửi vàng cho các NH giữ hộ thì dùng vào sản xuất kinh doanh, hoặc gửi vào hệ thống NH để gián tiếp đầu tư vào nền kinh tế. Còn người nào muốn mua vẫn được mua, nhưng nhà nước không bình ổn giá vàng. “Chúng tôi khẳng định TCTD họ đã lãi đủ những năm trước thì bây giờ thua lỗ phải tự chịu... NHNN không thể tiếp tay cho các TCTD để giảm lỗ”, lãnh đạo này nói.

Về bài toán người dân sẽ làm gì với vàng miếng, khi quyết định chấm dứt huy động có hiệu lực, theo NHNN khi đó quan hệ giữa người dân và TCTD chỉ là quan hệ mua bán như hàng hóa thông thường khác. NHNN cũng chỉ tham gia thị trường dưới vai trò của một người kinh doanh vàng, nếu thấy hợp lý thì mua vào tăng dự trữ ngoại hối.

Cơ quan này cũng cho rằng, vàng là mặt hàng không khuyến khích, vì vậy trên nguyên tắc khi mua đi - bán lại vàng người mua sẽ phải chịu thuế. Thứ nhất là thuế giá trị gia tăng, khi mua đi bán lại sinh ra lợi nhuận phải nộp; thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt vì là mặt hàng không khuyến khích. Tất nhiên, mức thuế này sẽ do các cơ quan khác tính toán.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.