23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo

27/10/2012 03:15 GMT+7

Trong tự truyện Cảm ơn cuộc đời đoạt giải nhì cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức, phạm nhân Huỳnh Thị Vân Khanh đang thụ án 21 năm tù ở trại giam số 5, thường trăn trở với mấy câu thơ mà chị yêu thích.

Có lẽ cũng vì tình yêu thơ ca đã trở thành máu thịt trong đời sống tinh thần, nên phạm nhân Huỳnh Thị Vân Khanh đã lấy tên bài thơ Cảm ơn cuộc đời mà chị không nhớ rõ tác giả, để đặt tên cho tự truyện của mình. Chị tâm sự: “Vô tình, tôi đọc được bài thơ Cảm ơn cuộc đời có đoạn viết “...Nếu ai đã có lần bất cần sự sống. Hãy đón hạt sương mai trên một cành hoa...”. Tự dưng, tôi thấm thía vô cùng, từng lời  thơ  như lời  cảnh  tỉnh, nhắc nhở lương tâm  làm người trong tôi sống sao cho đáng sống!” Bởi:

“Tôi hay chê cuộc đời sao méo mó
Sao tôi không tròn ngay tự trong tâm?”.

Thật vậy, lỗi lầm của tôi gây ra quá lớn để đến giờ phút này, tôi vẫn chưa tha thứ cho mình, dù cuộc đời tôi chưa ai hiểu bằng tôi, quá khứ đen tối của tôi, đã khép lại... Nhưng lương tâm tôi lúc nào cũng day dứt, hối hận, ăn năn.

Đêm nay, cũng như mọi đêm, tôi thao thức không ngủ được, hồi ức về cuộc đời tôi  bỗng dưng quay về như một  cuộn phim chậm và đúng như hai câu thơ tôi đã từng nghe:

“Đừng cố vẽ tô một chân trời xa, đầy màu hồng thắm
Hạnh phúc vẹn nguyên, giữa cuộc đời thường”.

Tham vọng thoát nghèo

Vân Khanh  sinh  ra  ở một  vùng  quê  nghèo  khổ, bị  chiến tranh tàn phá, thuộc Mười tám thôn vườn trầu (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) đã đi vào lịch  sử. Sau chiến tranh, Khanh lớn lên trong  yên bình với mơ ước làm cô giáo. Sau khi tốt nghiệp trung học sư phạm, Vân Khanh được cử về dạy ở một trường tiểu học. Khi nhận được đồng tiền lương đầu tiên,  tuy ít ỏi, nhưng đã làm cô vui mừng đến rơi nước mắt. Khanh cố gắng nỗ lực phấn đấu làm việc và trải qua nhiều vị trí khác nhau.


Các nữ phạm nhân chụp ảnh cùng một số thành viên của ban giám khảo - Ảnh: Đ.V.H cung cấp
 

Từ một tổng phụ trách Đội, kiêm bí thư Đoàn trường, Khanh trở thành phó hiệu trưởng một trường tiểu học. Khanh  lập  gia đình năm  1992,  khi  đứa con đầu lòng  ra  đời, cuộc sống gia đình cô trở nên quá khó khăn, chồng cô phải đi bán kem nơi trường học. Vân Khanh bộc bạch: “Những  ngày  nghỉ  hè  thất  nghiệp,  rồi con đau yếu, bệnh  hoạn, vợ chồng tôi ở nhờ trong gia đình chồng. Cảnh nghèo túng dẫn đến việc vợ chồng tôi gây lộn rồi ly thân 5 năm trời theo kiểu:

“Sáng đến đóng giả vợ chồng
Tối về mỗi đứa nằm không một mình”

Năm 1997, nhìn thấy cảnh vợ chồng Khanh mâu thuẫn hoài, ba má cô mua cho một căn nhà cấp bốn để vợ chồng con cái sống với nhau hạnh phúc, tổ ấm của cô bắt đầu được vun đắp từ ngày đó. Khanh cho biết luôn mơ ước cuộc sống khá giả, để không ai khinh thường, nhưng trải qua một  thời  gian khá dài cuộc sống nghèo khổ vẫn cứ đeo bám. Cho đến một ngày, có người chỉ dẫn cho cô vay tiền ngân hàng, rồi cho mượn lại với lãi suất cao để kiếm lời.

Cô đã làm theo và không ngờ rằng cuộc đời từ đây bước phải sai lầm, gây ra hậu quả để vướng vòng lao lý. Bắt đầu sai lầm đầu tiên, Khanh lấy tiền sửa lại căn nhà cấp bốn thành căn nhà khang trang, mua xe máy mới,  sắm  đầy  đủ  tiện nghi trong  nhà. Khanh rất vui mừng và mãn nguyện về cuộc sống đầy đủ khi thấy con được ăn mặc đẹp, chồng bớt cực khổ. Nhưng cuộc sống đầy đủ, ấm êm, hạnh phúc không được bao lâu thì những người Khanh cho mượn  tiền gặp khó khăn, làm ăn thất bại không trả được tiền đã làm cho công chuyện làm ăn của cô bị đổ bể.

Dựng 89 hồ sơ giả vay tiền 8 ngân hàng

Vì bị ngân hàng ráo riết đòi nợ, Khanh đã liều mình làm một phi vụ mới. Sau này cô thú nhận: “Lợi dụng việc ngân hàng tạo điều kiện cho giáo viên vay trả góp và tận dụng chức quyền đang có, tôi đã câu kết với một số đối tượng, làm giả hồ sơ giả danh là giáo viên và công nhân viên  của trường để vay tiền. Bằng  cách người đứng tên vay tiền là thật, nhưng giấy tờ giáo viên hay công nhân viên là giả. Khi ngân hàng muốn bổ sung bất cứ giấy tờ gì, tôi luôn hoàn tất, nhưng tất cả tôi đều làm giả, tôi cắt dán đem photo, rồi giả chữ ký của cô hiệu trưởng để ký vào hồ sơ, rồi đem nộp ngân hàng. Tiền vay được, tôi chi trả cho người vay giúp tôi với đủ giá cả  “theo thỏa  thuận”. Tôi  cố gắng  lấy khoản  tiền này bù đắp khoản tiền kia. Nhưng càng vay nhiều lại càng nợ nhiều. Khi cùng đường, tôi làm liều mượn tiền nóng bên ngoài để đáo hạn ngân hàng. Cứ mượn rồi lại trả, trả rồi lại mượn. Ngày càng thiếu hụt, nợ ngày càng nhiều hơn”.

Trong vụ lừa đảo này, với  khoảng  thời gian không lâu, Khanh đã thực hiện 89 vụ làm giả tài liệu của trường tiểu học để vay tiền của 8 ngân hàng. Khi sự việc đổ bể, Khanh bỏ trốn rồi tháng 5.2004 ra đầu thú tại Công an TP.HCM, cô bị phạt 21 năm tù và không chống án.

Đau xót vì tội lỗi, Khanh ân hận: “Những ngày đầu ở tại Trại tạm giam Chí Hòa, tôi  luôn sống trong hoảng loạn, đau khổ tột cùng và lo sợ đủ thứ. Dù vào tù để  trả giá  lỗi lầm của tôi, nhưng bên ngoài người  thân tôi phải  chịu nỗi nhục, nỗi oan vì tôi. Bên nội thì chì chiết, nặng nhẹ ba má tôi, cho rằng đã xúi giục tôi làm chuyện bậy. Bên chồng tôi thì  cắt đứt mối quan hệ, bắt con tôi không được về bên ngoại, không cho nhắc đến tên  tôi và không cho thăm tôi.

Ngân hàng liên tục đòi nợ, còn hàng xóm to nhỏ bàn tán, chửi mắng thậm tệ hằng ngày. Ba má tôi không chịu được sự nhục nhã nên đã đổ bệnh... Đến nay, đã hơn một phần ba thời gian chấp hành bản án, nhưng tôi không dám nghĩ và không dám hy vọng mình sẽ được xét đặc xá, vì tôi không biết làm cách nào để thi hành xong hình phạt bổ sung bằng tiền hơn 700 triệu đồng, tòa tuyên phải bồi thường cho các nạn nhân của tôi, mà tôi không thể nào có được số tiền này. 21 năm tù là cái giá phải  trả, nhưng tôi luôn ấp ủ, hy vọng sự khoan hồng và lòng vị tha của pháp luật, để sớm đến ngày tôi được tự do, trở về với gia đình, xã hội”. Và Vân Khanh lại nhắc tới một câu thơ để hy vọng: “Cám ơn đời... mỗi sớm mai thức dậy, tôi có thêm một ngày nữa để yêu thương”. 

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.