Sinh ra lần nữa - Kỳ 1: Sức sống Aogiri

25/10/2012 10:16 GMT+7

Song sinh dính nhau là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều cặp song sinh như thế đã được các bác sĩ phẫu thuật tách rời thành công. Đằng sau những ca mổ đó có nhiều câu chuyện cảm động chưa kể mà bản thân những người trong cuộc không thể nào quên.

Một buổi chiều đầu tháng 8-2012 tại Sài Gòn rực nắng, giáo sư Fujimoto Burno mang chậu cây Aogiri do các em học sinh từ một trường tiểu học trồng trao tận tay Nguyễn Đức:“Quà từ Nhật Bản này con trai”.

Khúc ruột Việt Nam

Chiều muộn, căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng anh Nguyễn Đức và chị Thanh Tuyền trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Điện Biên Phủ rộn rã tiếng cười nói. Phú Sĩ và Anh Đào ngồi sà xuống bên cạnh ông nội Fujimoto Burno hồi hộp chờ ông mở những món quà bọc cẩn thận được lôi ra từ trong chiếc túi. Sau khi ôm hôn những đứa cháu nhỏ của mình, giáo sư Fujimoto Burno lôi trong túi đồ mang theo một chiếc áo còn mới, mặc vào, ngắm mình thật chỉnh tề rồi lên lầu, khấn thật lâu trước bàn thờ của anh Việt. Với giáo sư Fujimoto Burno từ mấy chục năm nay, những chuyến đi tới Việt Nam bao giờ cũng ấm áp như thế. Bởi vì ông có khúc ruột của chính mình ở Việt Nam: anh em Việt và Đức.

... Năm 1985, giáo sư Fujimoto Burno khi đó có nghe đài truyền hình Nhật Bản phát một phóng sự về hai em nhỏ bị chất độc da cam tại Hà Nội, Việt Nam. Hình ảnh đau đớn đó cộng với những kỷ niệm về thời sinh viên trai trẻ thường xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, đã thôi thúc ông quyết định sẽ sang Việt Nam du học để có thể gặp hai cô bé. Nhưng khi ông vừa tới Hà Nội thì cũng là lúc hai cô bé bất hạnh đó vừa qua đời. Cảm giác mình đã đến muộn khiến ông thấy có lỗi ghê gớm. Cùng lúc đó, thông tin về cặp song sinh Việt - Đức dính nhau lan đi. Khi biết được, ông lập tức đón tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn. “Ngồi trên tàu vào Sài Gòn, tôi có cảm giác mình sắp gặp một mối nhân duyên trong đời”- ông Fujimoto Burno nhớ lại cảm giác của mình 24 năm về trước. Biết được hoàn cảnh thương tâm của Việt - Đức ông đã rơi nước mắt. “Mình có thể làm được gì đây?”- câu hỏi đó bám riết ông. Ngay sau đó ông đã trở về Nhật Bản để vận động chính phủ và nhân dân Nhật đóng góp tài trợ cho ca mổ Việt - Đức. “Những ngày ấy cho tôi rất nhiều xúc cảm đến bây giờ vẫn không thể quên được, có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với Việt và Đức. Chưa bao giờ tôi thấy con người yêu thương nhau nhiều đến vậy” - giáo sư Burno chia sẻ.

Ca phẫu thuật tách Việt - Đức thành hai người khác nhau với hai cuộc đời riêng rẽ. Việt không may phải sống đời thực vật và qua đời năm 2007. Đức may mắn hơn khi chỉ với một chân anh đã nỗ lực vươn lên, có một gia đình hạnh phúc với cô gái Thanh Tuyền. Điều tuyệt vời là họ đã có hai đứa con sinh đôi - một trai một gái khỏe mạnh. Chính ân tình từ những người bạn Nhật mà đặc biệt là người cha tận tụy hết mực yêu thương mình nên anh Đức đặt tên cho con là Phú Sĩ và Anh Đào. Mỗi lần đưa con qua Nhật Bản thăm ông nội, mọi người đều gọi hai bé là Sakura (hoa anh đào) và Fuji (núi Phú Sĩ).

Giáo sư Burno sau đó vẫn đi bên cạnh cuộc đời Việt và Đức. Mối nhân duyên mà ngay từ đầu ông cảm thấy khi quyết định vào gặp anh em Việt - Đức đã trở thành hiện thực. Sau khi ca mổ Việt - Đức thành công, ông đã lập Hội Negaukai (hội vì sự phát triển của Việt - Đức) để hỗ trợ, giúp đỡ cuộc sống của Việt và Đức cũng như những em nhỏ khuyết tật khác bớt phần khó khăn. Năm nay đã 85 tuổi, đôi chân đi lại đã chậm chạp nhưng ông vẫn là chủ tịch của hội này, vẫn tích cực đi khắp nơi để vận động mọi người giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh thương tâm ở Việt Nam.

Sinh ra lần nữa
Bố con anh Đức (bìa phải), ông Fujimoto Burno (bìa trái) cùng những người bạn bên chậu cây Aogiri đến từ Nhật Bản - Ảnh: NGỌC NGA

Cây sự sống

Trong nhiều món quà mang cho Phú Sĩ và Anh đào từ Nhật Bản, ông nội Burno còn chuẩn bị một món quà cho bố Đức, là một chậu cây Aogiri (cây ngô đồng). “Đó là cây sự sống”- giáo sư Burno giải thích về chậu cây ấy. Năm ngoái, trong dịp mang vợ con sang Nhật thăm bố mẹ nuôi, anh Nguyễn Đức đã đến nói chuyện với các em học sinh ở một trường tiểu học. Câu chuyện về cuộc đời anh đã khiến các em học sinh ở đó rất xúc động. Sau khi nghe xong câu chuyện về sức sống mãnh liệt của Nguyễn Đức, các em học sinh đã gieo ở sân trường một cây Aogiri. Đó là loại cây mà người dân Nhật cho rằng tượng trưng sức sống mãnh liệt không bao giờ khuất phục. Trong lúc hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, sự sống dường như đã lìa bỏ hai thành phố này thì những mầm cây Aogiri non nớt vẫn vươn lên xanh tươi đầy kiêu hãnh. Những người Nhật từng gặp và nói chuyện với anh Đức ví anh giống như những cây Aogiri đều mang một sức sống mãnh liệt.

Khi biết ông Burno sẽ sang Việt Nam thăm vợ chồng Nguyễn Đức, các em học sinh ở trường tiểu học này đã bứng một cây Aogiri trồng vào chậu để nhờ giáo sư Burno mang qua cho anh Đức như một món quà từ Nhật Bản. Gốc cây Aogiri trong chiếc chậu nhỏ nhắn nhưng cứng cáp và xanh tươi. Vợ chồng anh Đức và chị Tuyền nâng niu đặt chậu cây ấy ở vị trí đẹp nhất trên sân thượng nhà mình. Giáo sư Fujimoto Burno ngắm chậu cây, bất giác quay qua gọi anh Đức với giọng trìu mến: “Con trai Aogiri của ta”. Mọi người bất ngờ rồi sau đó cười vang dưới bầu trời Sài Gòn lộng gió chiều.

Còn Đức nhìn vào bàn thờ anh Việt tâm sự: “Tôi may mắn hơn anh trai mình khi được sống một cuộc đời bình thường. Bao năm nay tôi luôn tự nhủ mình phải vượt lên tất cả để sống luôn cho cả anh mình. Sống cho hai cuộc đời thì phải sống thật tốt chứ, phải không!”.

Nguyễn Việt và Nguyễn Đức là cặp song sinh dính sinh năm 1981 tại Sa Thầy (Kon Tum). Việt - Đức sau đó được mang xuống làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM và được chăm sóc tại đây. Năm 1987, Việt bị phát hiện bị viêm não ngày càng nặng nên năm 1988 ca mổ tách cặp song sinh này được tiến hành. Ca mổ này do giáo sư Trần Đông A làm trưởng kíp mổ cùng với rất nhiều bác sĩ của Việt Nam, Nhật Bản, Pháp. Sau ca phẫu thuật, người em là Nguyễn Đức mặc dù mất một chân nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, lập gia đình và có một cặp song sinh một trai một gái khỏe mạnh.

Theo NGỌC NGA \ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.