Động đất ở Sông Tranh 2 tiếp tục gây bất an

24/10/2012 03:10 GMT+7

Trận động đất mạnh 4,6 độ Richter xảy ra vào tối 22.10 đẩy sự lo lắng của người dân lên đỉnh điểm khi chỉ còn 0,9 độ Richter là chạm ngưỡng kháng chấn an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 (5,5 độ Richter).

Đã có hơn 800 căn nhà hư hỏng

>> Chưa hết bàng hoàng sau trận động đất 4,6 độ Richter
>> Động đất mạnh tại Bắc Trà My
>> Bàn cách ứng phó động đất ở thủy điện sông Tranh 2

Ngày 23.10, sau một đêm mất ngủ vì chạy động đất, trên khuôn mặt từng người dân Bắc Trà My hiển hiện rõ nỗi lo lắng và sợ hãi. Người dân đã quá quen với các rung chấn và cũng đã biết qua cách ứng phó với động đất, tuy nhiên, cường độ kinh hoàng như tối 22.10 thì họ chưa bao giờ gặp. Qua lời kể của bà con ở các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui... (H.Bắc Trà My), trận động đất lần này rất khác so với các trận động đất xảy ra trước đây.

 Người dân chưa hết bàng hoàng sau động đất 4,6 độ Richter
Người dân chưa hết bàng hoàng sau động đất 4,6 độ Richter tối 22.10 - Ảnh: Hoàng Sơn

“Những trận động đất trước, thường thì lòng đất phát nổ kèm theo các rung chấn. Nhưng lần này, trước khi xảy ra các rung lắc thì lòng đất phát nổ trước khoảng 5 giây. Cảm giác như mặt đất đang nổ tung lên, cuồn cuộn dưới chân, nhà cửa kêu răng rắc. Sợ quá, tôi chỉ biết cắm mặt chạy”, anh Nguyễn Văn Lâm (25 tuổi, trú tại thôn 1, xã Trà Đốc) kể.

Theo ghi nhận, trận động đất xảy ra vào tối 22.10 là trận động đất mạnh nhất trong số hàng chục trận động đất đã xảy ra. Không riêng người dân Bắc Trà My mà người dân tại các huyện: Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn... cũng đổ xô ra đường vì quá sợ hãi. Thậm chí, người dân sống tại TP.Tam Kỳ (cách thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 60 km) cũng cảm nhận được các rung lắc. Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, thống kê ban đầu cho biết có hơn 250 nhà dân bị nứt. Tính đến nay, số nhà dân bị hư hại do các trận động đất là hơn 800 căn nhà. Nhiều nhà dân trước đó bị nứt thì độ mở của vết nứt ngày càng lớn hơn.

Đáng chú ý, trạm quan trắc động đất vừa được khánh thành tại thủy điện Sông Tranh 2 chỉ mới có tác dụng “để biết” thông tin về các trận động đất. Hiện công tác dự báo, cảnh báo cho người dân vẫn còn chậm. Ngay cả khi xảy ra trận động đất tối 22.10, phía huyện Bắc Trà My phải chờ một khoảng thời gian khá lâu mới có thông tin cụ thể để an dân.

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình động đất vào sáng 23.10. Đồng thời, tỉnh cũng đã có chỉ đạo các huyện lân cận Bắc Trà My như Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn... cử cán bộ về cơ sở trấn an người dân và tiến hành thống kê thiệt hại”.

Động đất ở các huyện miền núi Quảng Ngãi

Thông tin từ UBND xã Ba Nam (thuộc huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi), vào khoảng 20 giờ 40 ngày 22.10, tại địa bàn trung tâm xã này cũng xảy ra một trận động đất kéo dài trong 5 giây. Ông Phạm Văn Tương, Chủ tịch UBND xã, nói: “Nhiều gia đình cảm nhận được rung lắc nên lo sợ, túa chạy hết ra đường”. Cùng thời điểm, người dân các xã Ba Dinh, Ba Cung, thị trấn Ba Tơ cũng nghe tiếng nổ và cảm nhận sự rung lắc. Tại địa bàn xã Trà Phong (thuộc huyện miền núi Tây Trà), người dân cũng hoảng hốt chạy ra ngoài đường trước những rung chấn như vậy. Theo ông Hồ Văn Lập, Phó chủ tịch UBND xã Trà Phong, hai thôn Trà Nga và Gò Rô là địa bàn bị rung chấn mạnh nhất.

Hiển Cừ

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.