Thủ tướng nhận lỗi vì những yếu kém của Chính phủ

23/10/2012 02:54 GMT+7

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trình bày trước Quốc hội sáng qua 22.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm và xin lỗi về những yếu kém của Chính phủ.

Phân tích tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng đầu năm, Thủ tướng cho hay Chính phủ đã kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Kinh tế vĩ mô có những tiến bộ trên một số tiêu chí quan trọng. Lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%.

Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nỗ lực cao nhất khắc phục khuyết điểm

Người đứng đầu Chính phủ cũng dành một nội dung quan trọng trong báo cáo để tự kiểm điểm về trách nhiệm của Chính phủ. Ông cho biết, trong những ngày qua, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng, Ban Cán sự đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. “Tập thể Ban Cán sự đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình”, Thủ tướng báo cáo.

Ông thẳng thắn: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội (QH), trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.

Ông cũng nói rõ, Chính phủ, bản thân Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Trong báo cáo, người đứng đầu Chính phủ còn cho biết năm 2013, Chính phủ sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; bảo đảm an sinh xã hội và nhiều mục tiêu quan trọng khác của KT-XH.

Thủ tướng nhận lỗi vì những yếu kém của Chính phủ
Thủ tướng trình bày báo cáo trước Quốc hội  - Ảnh: Ngọc Thắng

Khẩn trương giải quyết "nút thắt" tồn kho và nợ xấu

Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết QH về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, kế hoạch năm 2013 tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần khẩn trương giải quyết “nút thắt” về hàng tồn kho và nợ xấu.

 

Tình hình đòi hỏi “quyết tâm rất cao, giải pháp quyết liệt”

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định: bên cạnh những kết quả đạt được vừa qua, đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ở trong nước, sự trì trệ của nền kinh tế đang hiển hiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân... Trên thế giới, suy giảm tăng trưởng kinh tế có xu hướng lan rộng; khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa lắng dịu; tranh chấp thương mại, xung đột kinh tế, chính trị có dấu hiệu gia tăng...

Theo Chủ tịch QH, tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao, có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhận xét báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành, 5 chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết QH đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Ủy ban này đề nghị từ nay đến tết âm lịch, Chính phủ cần tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp cơ bản, trước hết là khẩn trương giải quyết cơ bản nút thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. "Tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm giá thu hút người tiêu dùng", ông Giàu nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý Chính phủ “chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ”, đồng thời đề nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nắm quyền chi phối phải chấp hành nghiêm và gương mẫu chia sẻ những khó khăn cùng DN; các tổ chức tín dụng cần nhận thức tháo gỡ khó khăn cho DN chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng mình.

Phấn đấu tăng trưởng 5,5%

Về tình hình phát triển KT-XH năm 2013, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành mục tiêu Chính phủ đặt ra trong báo cáo cũng như các chỉ tiêu chủ yếu, đó là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%; xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP... tạo việc làm mới khoảng 1,6 triệu lao động.

Để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trên, Ủy ban này nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp Chính phủ cần thực hiện trong năm tới, trong đó, đáng chú ý là tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn vay, hạ mặt bằng lãi suất hợp lý theo diễn biến kiểm soát lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên các chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa.

Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán.

Ông Đặng Thành Tâm xin nghỉ họp vì lý do sức khỏe

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (ĐB) Trần Văn Tám cho hay, sáng 22.10, Vụ đã nhận được đơn xin vắng mặt tại kỳ họp của ông Đặng Thành Tâm, ĐBQH TP.HCM vì lý do sức khỏe không đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Tám cho biết theo quy chế, ĐBQH và đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ phải gửi đơn xin nghỉ họp của ông Tâm tới Chủ tịch QH. “Chủ tịch QH đồng ý hay có ý kiến thế nào, sau đó mới chuyển xuống cho Ban Công tác ĐB, Vụ Công tác ĐB để nắm tình hình”, ông Tám cho biết. Vụ trưởng Vụ Công tác ĐB cũng cho hay, việc ĐBQH xin nghỉ họp cả kỳ nếu có lý do chính đáng như ốm đau, nằm viện, lý do bất khả kháng... thì không bị xem xét tư cách ĐB.

Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Nương cũng đã xác nhận với Thanh Niên thông tin về ĐB Đặng Thành Tâm xin vắng mặt tại kỳ họp và cho biết thông tin ĐB xin vắng mặt bà mới nhận được bước đầu qua báo cáo của Vụ Công tác ĐB.

 Bảo Cầm

Tuệ Nguyễn - Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.