Mua nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cứu hộ cứu nạn

23/10/2012 14:16 GMT+7

(TNO) Ông Phạm Văn Tỵ - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên Online .

Ông Phạm Văn Tỵ nói: Từ năm 2011 đến nay, tại thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất khiến người dân trong khu vực hoang mang lo lắng.

Một loạt các trận động đất cũng đã xảy ra tại Hải Phòng, Nghệ An, Cao Bằng, Sơn La, vịnh Bắc bộ… cho thấy các đới đứt gãy trên lãnh thổ nước ta đang hoạt động tích cực.

 
Đại tá Phạm Văn Tỵ - Ảnh: Quang Duẩn

Để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu xây dựng kịch bản, tham mưu, đề xuất Chính phủ tổ chức diễn tập ứng phó động đất nhằm trang bị cho nhân dân những kiến thức cơ bản, kỹ năng ứng phó khi có tình huống động đất xảy ra, đồng thời qua diễn tập để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó kịp thời.

* Việt Nam là nước hứng chịu nhiều thiệt hại của thiên tai, hiện chúng ta có đủ phương tiện và lực lượng chuyên nghiệp để ứng cứu trong các tình huống mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng, chia cắt dài ngày, sạt lở đất gây hậu quả lớn về người và tài sản, đặc biệt là cứu hộ cứu nạn trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn...?

- Ông Phạm Văn Tỵ: Trong nhiều năm qua, lực lượng cứu hộ cứu nạn được kiện toàn từ T.Ư đến địa phương, được trang bị ngày càng nhiều trang thiết bị hiện đại và chuyên dụng. Các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ ứng phó khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn đường không, đường biển, ứng phó sự cố tràn dầu, ứng cứu sập đổ công trình, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ hạt nhân, các đội quân y cứu trợ thảm họa… đã hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Trong đó, các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội đóng vai trò chủ lực, nòng cốt.

 
Quân đội diễn tập cứu hộ khi xảy ra ngập lụt nghiêm trọng - Ảnh: Q.D

Tuy nhiên, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn của chúng ta đang còn nhiều bất cập, cần phải khắc phục.

Chúng ta đang thiếu những phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn hiện đại để ứng phó tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả trong các điều kiện khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, địa hình.

 
Diễn tập bắc cầu phao ứng cứu người dân vùng ngập lũ - Ảnh: Q.D

Trong khi đó, các đơn vị chuyên trách cứu hộ, cứu nạn còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay mới có 3 trung tâm cứu nạn hàng hải và 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu là chuyên trách và một số đơn vị của bộ, ngành khác như cấp cứu mỏ, các lực lượng còn lại cơ bản là kiêm nhiệm.

- Thưa đại tá, chúng ta phải làm gì để ngày càng nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, từng bước đáp ứng nhu cầu bức thiết từ thực tế?

- Ông Phạm Văn Tỵ: Nhiệm vụ phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề hơn, tiềm ẩn nhiều bất trắc, hiểm nguy, nên trong thực hiện phải chú ý quán triệt phương châm: "Tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, ứng phó hiệu quả", lấy các biện pháp phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, nhất là vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án sát đúng với tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập phòng chống các sự cố và tìm kiếm cứu nạn là một trong những việc chúng ta phải hết sức chú trọng.

 
Diễn tập cứu hộ bằng trực thăng - Ảnh: Q.D

Trong đó, cần nghiên cứu dự kiến đúng các tình huống để có các phương án bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng xử trí hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Trong huấn luyện, cần quán triệt sâu sắc phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", chú trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chủ yếu, kết hợp huấn luyện cá nhân với các nhóm.

Đối với lực lượng chuyên trách, chú ý đảm bảo thời gian, nội dung chương trình, kế hoạch, vật chất huấn luyện; tích cực cải tiến phương pháp huấn luyện, nhất là làm chủ các trang thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới…  

Tôi được biết, chúng ta đang tập trung hoàn thiện các công trình phòng chống thiên tai và sự cố, tăng cường đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng.

Mới đây, chúng ta đã mua thêm 1 chiếc máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn hiện đại của Pháp, bay được xa và bay được trong thời tiết xấu. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đang thực hiện dự án đóng mới 10 tàu tìm kiếm cứu nạn, hiện đã đóng xong 2 tàu, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành dự án. Mỗi tỉnh ven biển đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 chiếc tàu cứu nạn.

Bộ Quốc phòng đang triển khai dự án đóng 3 chiếc tàu cứu nạn xa bờ. Cảnh sát biển đóng 4 chiếc tàu đa năng, hiện đang triển khai đóng 3 chiếc. Các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu sẽ đóng 5 chiếc tàu chuyên dụng đồng thời được trang bị ứng phó với sự cố tràn dầu. Bộ Công an có dự án 1.000 tỉ đồng mua trang thiết bị cứu hỏa. Dự án này đã thực hiện được một nửa, cho lĩnh vực cứu nạn trong cứu hỏa.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã và đang tích cực mở rộng hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có trình độ khoa học tiên tiến trong huấn luyện, đào tạo, chế tạo, sản xuất trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, tai nạn, sự cố.

* Các sự cố cháy nhà đặc biệt là tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn hiện chúng ta còn rất lúng túng, thời gian tới cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Ông Phạm Văn Tỵ: Tôi được biết, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 100 nhà và TP.HCM có gần 200 nhà cao trên 10 tầng, một số nhà cao 40, 50 và 70 tầng… Các tòa nhà cao trên 7 tầng đã xuất hiện nhiều ở hầu hết các đô thị.

Khi xảy ra cháy, nổ, hoặc sập đổ công trình thì việc tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn tại những công trình, nhà cao tầng rất khó khăn.

 
Các chiến sĩ quân đội tham gia hộ đê tại Chương Mỹ (Hà Nội) trong trận lụt lịch sử năm 2008 - Ảnh: Q.D

Hiện chúng ta đã có những phương tiện chữa cháy chuyên dụng có thể dập tắt đám cháy có độ cao tương đương tầng thứ 20 của các tòa nhà nhưng kích thước của xe quá lớn, việc cơ động trong thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống đường sá chật hẹp, nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Hiện cả nước có 37 xe thang chữa cháy, cứu người bị nạn, nhưng chỉ có 14 chiếc hoạt động được và được trang bị ở hai thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM). Xe thang cao nhất là 70 m.

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi, thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các cấp, các ngành đặc biệt là người dân hiểu, nhận thức đúng đắn về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Các tỉnh, thành phải chuẩn bị tốt kế hoạch, phương án sát thực tế tình hình địa bàn, tổ chức luyện tập thuần thục, thực hiện tốt việc phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng, vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy.

Một việc cấp bách nữa là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng nhà cao tầng phải nghiên cứu, tính toán dự kiến sự cố, cháy, nổ có thể xảy ra để thiết kế xây dựng đồng bộ, phù hợp với thực tế tình hình.

Chúng tôi cũng đang tham mưu cấp trên tăng cường đầu tư mua sắm trang bị, đặc biệt là trang thiết bị chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng.

* Xin cảm ơn ông!

Quang Duẩn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.