Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13: Cử tri yêu cầu xử nghiêm tham nhũng

22/10/2012 03:50 GMT+7

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổng hợp ý kiến, kiến nghị của 1.396 cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH tại kỳ họp thứ 4. Báo cáo này sẽ được Chủ tịch Huỳnh Đảm đại diện cho Đoàn Chủ tịch Mặt trận trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của QH diễn ra sáng nay, 22.10 tại Hà Nội.

>>Thủ tướng tiếp xúc cử tri

Cử tri yêu cầu xử nghiêm tham nhũng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội trước kỳ họp thứ 4 - Ảnh: Bình Minh

So với các ý kiến, kiến nghị tại nhiều kỳ họp trước, điểm mới của báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri lần này là đông đảo cử tri và người dân đặc biệt quan tâm đến cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng do BCH Trung ương khởi xướng tại Hội nghị Trung ương 4, đặc biệt là kết quả của Hội nghị Trung ương 6 vừa bế mạc.

Theo báo cáo, đông đảo cử tri và nhân dân hoan nghênh Bộ Chính trị nghiêm túc tự phê bình, thành thật nhận lỗi trước BCH Trung ương, cá nhân Tổng bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, “cử tri và nhân dân cả nước cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu và đặt nhiều kỳ vọng vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan nhà nước sáng suốt chỉ ra và có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi, tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Đồng thời, cử tri đề nghị “xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thiếu trách nhiệm… gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của nhà nước”.

Đề nghị công khai kết quả xử lý tham nhũng

Ngoài vấn đề trên, cử tri và nhân dân cả nước cũng bày tỏ lo lắng về tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức; hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, bị phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Tình hình nợ xấu của ngân hàng hiện nay, trong đó có phần nợ xấu thuộc về các doanh nhiệp nhà nước, đang tiềm ẩn nguy cơ không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước. Tình trạng làm ăn thua lỗ, gây lãng phí, thất thoát của một số tập đoàn kinh tế nhà nước, đơn cử như “Vinashin, Vinalines làm ăn thua lỗ để lại nhiều hậu quả nặng nề, nghiêm trọng” cũng là một trong những vấn đề khiến cử tri lo lắng, kiến nghị QH, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và sớm có những giải pháp xử lý, khắc phục.

Trong lĩnh vực đất đai, cử tri và nhân dân cho rằng công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, bất cập, có biểu hiện của “nhóm lợi ích” cấu kết, trục lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, quy mô khác nhau; việc quy hoạch, sử dụng đất ở nhiều nơi không phù hợp, dẫn đến nhiều dự án treo như: khu công nghiệp, sân gôn, khu đô thị... chiếm nhiều diện tích đất; nhiều nơi thu hồi đất nhưng chậm được sử dụng hoặc để hoang hóa, lãng phí. Bên cạnh đó, một số nông, lâm trường quản lý diện tích đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả trong khi người dân thiếu đất sản xuất; việc giải tỏa, đền bù trong thu hồi đất nhiều nơi thực hiện chưa tốt, phát sinh tiêu cực, chưa đảm bảo lợi ích của người dân. Cử tri cho rằng, thực trạng trên đang tác động mạnh đến sự phân hóa giàu nghèo và gây ra những bất ổn cho xã hội

Đáng chú ý, về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri nhận định “tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội”, song qua theo dõi, kiểm toán, thanh tra thông báo nhiều vụ việc vi phạm, lãng phí nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm và chưa thông báo công khai kết quả xử lý.

Để chấn chỉnh, cử tri và nhân dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền “kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng…”.

Không quy định ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong luật

Theo nội dung Tờ trình mới nhất của Chính phủ, dự luật Phòng, chống tham nhũng - PCTN (sửa đổi) không còn quy định Ban chỉ đạo (BCĐ) về PCTN, gồm cả BCĐ Trung ương về PCTN.

Trong Tờ trình về nội dung dự luật gửi các ĐBQH, Chính phủ cho hay: thực hiện kết luận của hội nghị Trung ương 5 về việc “ở Trung ương, thành lập BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng bí thư làm Trưởng ban”, dự thảo luật sửa đổi không quy định về BCĐ Trung ương về PCTN. Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo PCTN của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Đề xuất của Chính phủ đã nhận được sự nhất trí của Ủy ban Tư pháp của QH khi thẩm tra dự luật này.

Theo nghị trình, luật PCTN (sửa đổi) sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ tư của QH.

Nguyệt Minh

Khai mạc kỳ họp thứ 4 QH khóa 13

Đúng 9 giờ sáng nay, kỳ họp thứ 4 QH khóa 13 khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Phiên khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo dự kiến chương trình, sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trước QH. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

QH cũng sẽ nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội; nghe Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.

Chiều cùng ngày, QH sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 và nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra nội dung này. QH cũng nghe dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn...

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.