Mạt nhà chui lỗ tai

18/10/2012 03:20 GMT+7

Một người bị ngứa ngáy lỗ tai suốt 2 tháng cuối cùng đã phát hiện lý do của tình trạng lạ đời này: hốc tai của ông đã trở thành nơi trú ẩn lý tưởng và bất thường của mạt nhà.

Nạn nhân của mạt nhà trong trường hợp kể trên là một cụ già 70 tuổi ở Đài Loan. Ngoài chuyện ngứa ngáy, ông cũng cảm thấy phần tai phải như bị lèn chặt, nhưng thính giác không bị ảnh hưởng, hay bị tình trạng o o trong lỗ tai, hoặc rỉ nước. Khi soi lỗ tai bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện được mạt bụi nhà cũng như trứng mạt kết chùm bên trong, chúng thuộc về loài có tên khoa học là Dermatophagoides pteronyssinus, theo báo cáo trên chuyên san New England Journal of Medicine số tháng 10.

 Mạt nhà chui lỗ tai
Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y khoa, lỗ tai chứa mạt là một trường hợp khá hiếm. Bác sĩ Ian Storper, Trưởng khoa Tai của Bệnh viện Lenox Hill ở New York (Mỹ), cho hay việc mạt nhà chui vào hốc tai người còn hiếm hơn chuyện gián đất chui tai. Ông từng chứng kiến hàng chục vụ gián chui tai người, trong khi mạt nhà chỉ có 2 vụ. Hầu hết trường hợp, con gián đều chết trước khi bệnh nhân đến phòng khám, do chúng chỉ chui vào được chứ không lùi ra được. Nếu gián còn sống, bệnh nhân phải nghe tiếng vù vù, và tất nhiên kèm theo cảm giác đau đớn khi con vật cố gắng chui sâu vào tai hòng tìm đường thoát.

Bác sĩ Richard Nelson của Đại học bang Ohio (Mỹ) cho hay cái mà ông học được, sau khi thấy nhiều vụ muỗi, ruồi và hơn một chục vụ gián chui tai trong hơn 30 năm qua, là tốt nhất nên nói sự thật với bệnh nhân sau khi đã lấy xong con bọ khỏi tai họ, để tránh trường hợp người bệnh hoảng hốt quá độ, gây trở ngại cho bác sĩ thao tác. Thông thường, biện pháp xử lý bao gồm rửa ống tai, dùng dầu, rượu hoặc thuốc tê. Việc này có thể đẩy con bọ ra ngoài, hoặc nếu nó bám quá chặt, bác sĩ phải dùng kẹp nhỏ để gắp nó ra. “Điều hết sức quan trọng là lôi được toàn bộ con bọ ra ngoài,” theo bác sĩ Storper. Đôi khi nếu xử lý không khéo, chân hoặc một phần nào đó của con vật vẫn còn nằm bên trong tai, gây nhiễm trùng.

Trong trường hợp ở Đài Loan, các bác sĩ điều trị bằng thuốc nhỏ tai chứa chất chống nấm, chống khuẩn, chống viêm và chống mạt. Dùng thuốc trị mạt là chủ yếu, còn những loại thuốc khác nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau 2 tháng điều trị, các bác sĩ cho hay đã tẩy sạch được mạt lẫn trứng trong tai cụ già. 

Tụ Yên

>> Lỗ tai biết thể hiện cảm xúc
>> Dinh dưỡng cho... lỗ tai
>> Nhận dạng qua lỗ tai
>> Khi nhện hẹn hò trong lỗ tai người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.