Loạn học viện - Kỳ 2: Cần biện pháp chế tài thích đáng

17/10/2012 03:10 GMT+7

Các chuyên gia đều cho rằng cần phải xử lý nghiêm tình trạng lộn xộn và tùy tiện của các viện hoặc học viện hoạt động không đúng chức năng.

>> Loạn học viện

 

Các mô hình viện trên thế giới

Theo các chuyên gia, trên thế giới có 2 trường phái phát triển viện. Các nước Mỹ và châu u, viện và trường học gắn chặt với nhau về đào tạo và nghiên cứu. Ở Úc, viện có đứng ngoài trường ĐH nhưng giáo sư trong viện là từ trường ĐH, bằng cấp do trường ĐH cấp. Nói chung, việc đào tạo và nghiên cứu giữa viện với trường là chặt chẽ và không tách rời được. Việt Nam và một số nước khác theo hướng viện tách ra độc lập hoàn toàn với trường.

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, học viện là một loại hình cơ sở giáo dục được nêu trong luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH. Nếu hiểu theo nghĩa này thì học viện có chức năng tương tự một trường ĐH, tức cũng đào tạo và nghiên cứu, nhưng các ngành thì hạn hẹp hơn, thường chỉ chuyên trong một ngành nào đó. Chẳng hạn học viện ngoại giao, học viện ngân hàng… Các viện nghiên cứu công lập, trực thuộc trung ương hoặc địa phương thì chuyên nghiên cứu sâu về một ngành/chuyên ngành nào đó, và có thêm chức năng đào tạo sau ĐH (chủ yếu là đào tạo tiến sĩ). Chẳng hạn Viện Toán cao cấp hoặc Viện Khoa học xã hội Việt Nam…

Đ.N

Đóng cửa nếu hoạt động sai chức năng

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học - công nghệ và quản lý HASCON, cho rằng: “Về cơ bản, viện là một tổ chức khoa học, công nghệ được một cơ quan, nhà nước, công ty thành lập. Trong trường học có thể thành lập 2 loại  viện: Loại thứ nhất phải có pháp nhân, đăng ký với Bộ hoặc các sở Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra còn có viện mang tính chất nội bộ, như một phòng ban của nhà trường”. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, ông Phúc khẳng định: “Phải làm công tác nghiên cứu khoa học mới được gọi là viện. Viện cũng có thể đào tạo nâng cao cho chuyên gia và một số dịch vụ khác như tư vấn du học nhưng phải đăng ký thêm với các sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Theo tôi biết, hiện nay đa số các viện đăng ký tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chỉ đào tạo nâng cao là chính chứ không nghiên cứu khoa học gì. Trong khi đó, hiện nay luật pháp lại không có chế tài. Đáng lẽ phải có quy định, chẳng hạn một viện được lập ra nhưng sau 3 năm mà không có hoạt động nghiên cứu khoa học nào thì sẽ bị đóng cửa. Có như vậy mới đưa các viện trở lại con đường phát triển mà nó phải đi”.

Cùng quan điểm phải có biện pháp chế tài cho những viện hoạt động sai chức năng, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng ngoài công lập, nói: “Vấn đề không nằm ở tên gọi mà là làm đúng chức năng. Khi các viện này được thành lập thì sẽ được cấp phép hoạt động theo một số chức năng đã đăng ký. Như vậy, nếu họ không có chức năng đào tạo thì không được thực hiện đào tạo, kể cả liên kết đào tạo. Và một khi họ vi phạm thì cần được xử lý nghiêm và công khai. Việc loạn các viện như hiện nay, không chỉ có lỗi của các viện làm sai chức năng mà còn do thiếu giám sát và xử lý của các cơ quan quản lý”.

Phải làm công tác nghiên cứu khoa học

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khẳng định: “Các nước trên thế giới, trường ĐH đều có viện nhưng chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia hỗ trợ đào tạo chứ không có chức năng tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng. Trong khi đó ở Việt Nam, viện còn được hiểu có chức năng và nhiệm vụ tương đương với khoa thì thật vô lý vì như vậy sẽ giẫm chân nhau. Một số viện tham gia vào tuyển sinh và đào tạo, trường cấp bằng thì cũng vẫn không đúng vì đó là nhiệm vụ của phòng quản lý đào tạo và các khoa”. Ông Tống cũng cho rằng: “Đã là viện nghiên cứu của trường ĐH thì phải nghiên cứu vào những đề tài lớn, đề ra các đề án phục vụ cho GD-ĐT của trường hoặc nhu cầu thiết thực của đời sống. Hiện nay nhiều viện nếu có tham gia vào nghiên cứu thì chỉ là những đề tài cỏn con, thực hiện trong thời gian ngắn, không có tính kế thừa, không mang lại giá trị thực tiễn”.

Loạn học viện - Kỳ 2: Cần biện pháp chế tài thích đáng
Minh họa: DAD

Đặt vấn đề chức năng đào tạo của viện, hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho rằng các viện tại Việt Nam đang hoạt động khá lộn xộn và tùy tiện. Về nguyên tắc, viện nghiên cứu có thể tham gia đào tạo sau ĐH, liên kết đào tạo thạc sĩ nhưng không có chức năng đào tạo cử nhân.

Từ thực tế này, tiến sĩ Tống đề nghị: “Tên gọi của các loại hình viện nghiên cứu trong trường ĐH hiện đang không được dùng chính xác, vô tình hoặc cố ý bị biến thành méo mó nên cần phải có quy định rõ, chặt chẽ về khái niệm cũng như chức năng, nhiệm vụ của viện trong trường ĐH. Bộ GD-ĐT cũng cần rà soát lại hoạt động của các loại hình viện trong trường ĐH để chấn chỉnh kịp thời”.

Đâu cần thành lập viện !

“Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp phép cho các viện chủ yếu để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Khi họ muốn đào tạo cấp chứng chỉ phải xin giấy phép của Sở GD-ĐT hoặc Sở LĐ-TB-XH. Tuy nhiên các viện lại hoạt động thiên về đào tạo thì không phù hợp với chức năng lắm, như vậy đâu cần phải thành lập viện nghiên cứu theo luật Khoa học và Công nghệ. Trên nguyên tắc đã là viện thì phải nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là chính”.

PGS-TS PHAN MINH TN
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

Lạm phát !

Hiện có hiện tượng lạm phát viện, có nhiều viện chỉ tương đương một trung tâm nhưng cũng gắn mác là "viện" cho... oai. Cũng có các "viện" độc lập không nằm trong trường ĐH nào, hoạt động tương tự như các "viện" trong trường. Đây là những loại viện mà báo chí đang đề cập chẳng nghiên cứu gì, chủ yếu thực hiện đào tạo ngắn hạn hoặc liên kết đào tạo cấp bằng.

Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục  thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

Không phải là nơi tổ chức tuyển sinh

“Đã là viện, dù với tên gọi gì cũng đều phải có chức năng chính là nghiên cứu. Nếu một trường ĐH nhiệm vụ đào tạo là 70% và nghiên cứu 30% thì ngược lại, chức năng nghiên cứu của viện phải chiếm 70%. Viện chỉ tham gia phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn chứ không phải nơi đứng ra tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng”.

PGS-TS HUỲNH THANH HÙNG
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Đ.N - H.A - M.Q

>> Loạn học viện

Đăng Nguyên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.