Vụ bắt cóc con tin tại trường mầm non: Xử lý hung thủ mắc tâm thần như thế nào?

15/10/2012 03:30 GMT+7

Chiều 14.10, thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó trưởng Công an Q.Tân Bình (TP.HCM), khẳng định Cơ quan CSĐT vẫn còn tạm giữ hình sự Cao Quốc Huy (28 tuổi) để điều tra làm rõ về hành vi đe dọa giết người và bắt giữ người trái pháp luật.

>> Trường mầm non thắt chặt an ninh vì sợ… kẻ xấu
>> Giải cứu con tin trường mầm non
>> Vụ giải cứu hai trẻ ở trường mầm non: Chưa hết bàng hoàng

Theo hồ sơ, vào ngày 14.4.2002, Huy từng bị cơ quan công an bắt giữ do liên đến vụ giết người. Sau đó, vụ việc đã được chuyển cho Đội 4 (nay là Đội 7) thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM thụ lý. Trong quá trình điều tra, điều tra viên của Đội 4 phát hiện Huy có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.

Ngày 21.11.2002, bà Trần Thị Tư (mẹ ruột của Huy) đã làm đơn xin cứu xét gửi cho cơ quan thẩm quyền, trong đó nêu rõ: “Cháu Huy mắc chứng bệnh không bình thường ... tôi đã cố hết sức mang cháu đi chữa chạy các nơi nhưng bệnh không mấy thuyên giảm”. Sau đó, cơ quan tố tụng đã đưa Huy đi giám định và bệnh viện kết luận Huy bị tâm thần nên vụ án bị đình chỉ. Huy được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ngày 3.8.2004, Khoa Pháp y Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa đã bàn giao Huy cho gia đình do tình trạng sức khỏe đã bình thường. Trong biên bản giao nhận, bà Tư cam kết đưa con về nhà quản lý.

Theo một điều tra viên của PC45 (Công an TP.HCM), đối với vụ việc năm 2002, cơ quan chuyên môn kết luận vào thời điểm Huy gây án là bị bệnh tâm thần nên cho dù sau này Huy hết bệnh vẫn không thể khởi tố.

Ông Mai Khắc Phúc (giảng viên Khoa Hình sự - Trường ĐH Luật TP.HCM), giải thích tại thời điểm thực hiện hành vi giết người, nếu cơ quan chuyên môn kết luận người gây án mắc bệnh tâm thần thì cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án. Dù sau này, người gây án đã được chữa hết bệnh thì cơ quan tố tụng vẫn không truy cứu.

Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn phải đưa ra kết luận người mắc bệnh tâm thần này bị mất khả năng nhận thức, bởi vì có trường hợp người mắc bệnh tâm thần nhưng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức (có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Trường hợp, tại thời điểm phạm tội, nếu cơ quan chuyên môn kết luận người gây án không mắc bệnh tâm thần, sau khi gây án hoang mang phát sinh bệnh tâm thần thì sau khi chữa hết bệnh, cơ quan tố tụng sẽ phục hồi điều tra.

Đến ngày 11.10.2012, Huy tiếp tục phạm tội, đã bắt cóc, uy hiếp con tin, cố thủ tại trường mầm non ở Q.Tân Bình, thì Cơ quan CSĐT có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Huy. Nếu có cơ sở chứng minh được Huy có dấu hiệu bị bệnh tâm thần và có nhiều người làm chứng, thì Cơ quan CSĐT sẽ xem xét.

Lúc này, Cơ quan CSĐT phải dựa vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn mới truy cứu trách nhiệm hình sự. “Ngay sau khi bắt quả tang Huy có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết người khác thì Cơ quan CSĐT có thể khởi tố hung thủ về 2 hành vi nói trên khi thu thập đầy đủ chứng cứ, không nhất thiết phải chờ cơ quan chuyên môn đưa ra kết quả giám định. Sau này, cơ quan chuyên môn có kết luận hung thủ bị bệnh hay không bị bệnh thì dựa vào đó để có những bước xử lý tiếp”, một điều tra viên của Công an TP.HCM, nói.

Đàm Huy - Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.