Vì sao bị hạ canxi máu?

14/10/2012 11:28 GMT+7

Hạ canxi máu, tức là khi nồng độ canxi huyết tương toàn phần thấp hơn 2,2 mmol/l hay 8,8 mg/dL.

Nói chính xác hơn, hạ canxi máu được định nghĩa khi nồng độ canxi ion hóa trong huyết tương thấp hơn 1,16 mmol/l (hay 4,6 mg/dL) bởi chính các phần tử canxi ion hóa này mới là thành phần được lưu hành có tác dụng sinh học dưới sự điều hòa của các hoóc-môn của cơ thể.

 Trong 100 ml máu ở người khỏe mạnh bình thường có 2 - 2,5 mmol canxi (100 mg/l) được tồn tại dưới 3 dạng: Gắn với proteine 40%, dạng muối kết hợp với phosphate, bicarbonate, citrate từ 5% - 10%, số còn lại ở dạng ion hóa  bảo đảm cho hoạt động điện sinh lý của các tế bào. Hàng ngày cơ thể hấp thu vào cơ thể 25 mmol canxi và đào thải ra qua đường phân là 20 mmol và qua đường nước tiểu 5 mmol. Do vậy, hoóc-môn tuyến giáp có vai trò huy động canxi từ xương ra máu, đồng thời vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi đưa tới xương. Trong thực tế chúng ta thường gặp thiếu canxi nhiều hơn là trường hợp thừa.

Có nhiều nguyên nhân gây hạ canxi máu như: khi ăn các thức ăn thiếu canxi kéo dài hoặc cơ thể giảm khả năng hấp thu canxi do thiếu vitamin D; bị cắt đoạn ruột, mắc hội chứng giảm hấp thu canxi mãn; khi sử dụng thuốc lợi tiểu dạng furosemid...; rối loạn nội tiết như suy tuyến cận giáp trạng; tăng tiết calcitonin trong ung thư tuyến giáp...; giảm albumine máu, tăng phosphore máu, dùng kháng sinh nhóm aminosid...

Khi thiếu canxi, ta thấy xuất hiện các dấu hiệu như chân, tay đột nhiên bị co rút, cứng lại, khó cử động... Do vậy nhiều khi dễ nhầm với bệnh hạ đường huyết hay uốn ván.
Trường hợp hạ canxi máu cấp (tức các triệu chứng chỉ xuất hiện rõ khi lượng canxi máu giảm nhiều), thoạt tiên người bệnh có cảm giác tê bì ở đầu chi, lưỡi, quanh miệng, đồng thời thấy hồi hộp, lo âu mệt mỏi.
 
Sau đó mới xuất hiện sự co thắt các thớ cơ ở đầu chi, chuột rút và thấy rõ khi gõ vào cơ, khi thở nhanh và sâu hoặc khi thắt garo ở chi. Khi hiện tượng co thắt cơ ở tay tạo thành hình dáng “bàn tay đỡ đẻ” hoặc gây duỗi cứng đùi, cẳng chân và các ngón, dẫn đến chi khó cử động. Có khi có thể gây co thắt cơ thanh môn làm hoa mắt khó thở, tiểu buốt, chướng bụng, đục thủy tinh thể...

Trong công tác trị liệu chứng hạ canxi máu nếu gặp cấp tính cần đưa ngay đi viện cấp cứu để tiêm vào tĩnh mạch chậm dung dịch calcichlorure hay gluconat. Lâu dài, cần ăn các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, trứng, tôm, cua, cá, ốc, rong biển... Thường xuyên tắm nắng hoặc uống bổ sung dầu cá vào mùa đông để cơ thể tạo và có đủ vitamin D nhằm hấp thu và dự trữ canxi tốt. Mặt khác, uống canxi D ngày 4 viên, chia 2 lần.

Theo BS Hoàng Tuấn Linh/ Người Lao Động

>> Bệnh thiểu mạch vành và bệnh hạ canxi huyết có giống nhau?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.