Giá trị quảng bá văn hóa

14/10/2012 03:05 GMT+7

Cách đây vài ngày, tờ The Bangkok Post dẫn lời một số chuyên gia kinh tế Thái Lan nhận định về đường hướng để nước này đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam. Theo đó, Thái Lan nên học hỏi Hàn Quốc, nước liên tục tăng mạnh giá trị xuất khẩu sang Việt Nam nhờ vào con đường quảng bá văn hóa.

Quả thực, từ cuối thập niên 1990, phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc không ngừng du nhập vào nước ta thông qua những chương trình tài trợ do các thương hiệu của xứ sở kim chi thực hiện. Qua đó, dân chúng Việt Nam ngày càng tiếp cận nhiều hơn những sản phẩm Hàn Quốc từ mỹ phẩm, thời trang đến hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động…

Cứ thế, giá trị xuất khẩu hàng hóa Hàn Quốc không ngừng tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, con số này tăng từ mức 6,7 tỉ USD vào năm 2009 lên trên 13 tỉ USD trong năm 2011. Không riêng gì tại Việt Nam, sản phẩm Hàn Quốc cũng đang ngày càng xâm nhập sâu rộng hầu hết các nước trên thế giới. Điều này trở thành bài học dành cho tất cả các quốc gia đang muốn vươn mình phát triển. Đây cũng là điều mà Giáo sư Joseph Nye nhấn mạnh trong học thuyết quyền lực mềm, vốn được biết đến rộng rãi suốt hàng chục năm qua.

Nhìn lại con đường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, hầu như chúng ta không có một chương trình nào hỗ trợ ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại theo kiểu thông thường, đầy khô khan. Trong khi đó, việc xuất khẩu văn hóa nghệ thuật còn rất hạn chế. Những hoạt động truyền bá văn hóa hầu hết chỉ được thực hiện thông qua các chương trình giao lưu theo kiểu “ngoại giao” song phương với một số nước và thiếu chiến lược dài hạn. Thậm chí, chúng ta cũng chưa hề tận dụng những cơ hội bất ngờ. Điển hình, mới đây, khi cô Christine Hà đoạt được giải nhất trong cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ (MasterChef US) thì đại diện ngoại giao và thương mại nước ta nên hợp tác tổ chức một chiến dịch quảng bá ẩm thực Việt Nam. Nếu khó khăn về ngân sách, chúng ta có thể kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia.

Trong những trường hợp như vậy, nhà nước cần đóng vai trò khởi xướng để huy động nguồn lực xã hội. Tất cả dựa trên một chiến lược dài hạn để quảng bá hình ảnh quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện, bao gồm kinh tế và thương mại. Nếu không, các doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh trong việc quảng bá sản phẩm và định hình chiến lược. Tự lực cánh sinh có thể giúp tăng cường sức mạnh doanh nghiệp nhưng rất hạn chế trong việc tạo nên sự thống nhất và tính cộng hưởng chung. Trong bài báo đăng trên tờ The Bangkok Post, các chuyên gia chỉ ra rằng dù nhiều thương hiệu Thái Lan được đánh giá cao nhưng vẫn chưa tạo được giá trị chung về hàng hóa nước này tại thị trường Việt Nam. Tương tự như thế, nếu các doanh nghiệp nước ta khẳng định được thương hiệu tại thị trường quốc tế mà thiếu một định hình chung về Việt Nam thì không thể hỗ trợ nhau. Vì thế, nếu nhà nước đề ra những chính sách hỗ trợ tăng cường xuất khẩu mà thiếu một chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia thì khó có thể đạt hiệu quả tích cực lâu dài. Chúng ta đừng nên mãi luẩn quẩn trong những kế hoạch xuất khẩu theo kiểu đơn điệu, khô khan. 

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.