Phát hiện hành tinh kim cương lớn gấp đôi Trái đất

12/10/2012 13:39 GMT+7

(TNO) Các nhà khoa học đã tiết lộ về sự hiện hữu của một “hành tinh kim cương” có kích cỡ gấp đôi và khối lượng gấp tám lần Trái đất trong hôm 11.10.

Thực tế, đây không phải là hành tinh kim cương đầu tiên được phát hiện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học khám phá ra một hành tinh kim cương bay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời và có cấu tạo hóa học được xác định rõ ràng.

Hành tinh ở cách Trái đất 40 năm ánh sáng được quan sát lần đầu tiên vào năm ngoái song ban đầu các nhà nghiên cứu cho rằng nó có cấu tạo hóa học tương tự Trái đất.

Sau khi thực hiện một quá trình phân tích chi tiết hơn, nhóm nghiên cứu người Mỹ và Pháp mới xác định hành tinh 55 Cancri e khác xa so với Trái đất.

Phát hiện hành tinh kim cương lớn gấp đôi Trái đất
Vị trí và cấu tạo của hành tinh kim cương - Ảnh: AFP

55 Cancri e “có vẻ như cấu tạo chủ yếu từ carbon (dưới dạng than chì và kim cương), kim loại, silicon carbide, và có thể là một ít silicate”, theo thông báo của các tác giả nghiên cứu.

Theo AFP, nghiên cứu nói trên chuẩn bị được đăng tải trên tập san Astrophysical Journal Letters ở Mỹ.

“Bề mặt của hành tinh này nhiều khả năng được bao phủ bởi than chì và kim cương thay vì nước và đá granite”, nhà khoa học Nikku Madhusudhan thuộc Đại học Yale (Mỹ) phát biểu.

Hành tinh này dường như không có nước, và kim cương - một dạng thù hình của carbon - có thể chiếm một phần ba khối lượng.

Hành tinh bay quanh ngôi sao của nó với tốc độ rất nhanh, chỉ mất 18 tiếng một vòng. Vì nó ở rất gần ngôi sao, nên nhiệt độ bề mặt trung bình lên đến 3.900 độ Fahrenheit (2.148 độ C).

Nó là hành tinh gần nhất trong số năm hành tinh bay quanh 55 Cancri A, ngôi sao thuộc chòm Cự Giải ở cách Trái đất 40 năm ánh sáng, khoảng cách đủ gần để có thể thấy được bằng mắt thường.

“Tiểu thuyết khoa học giả tưởng từng mơ về các hành tinh kim cương trong nhiều năm, thế nên thật đáng ngạc nhiên khi chúng ta đã tìm thấy bằng chứng về sự hiện hữu của nó trong vũ trụ thật”, ông Madhusudhan nói.

Sơn Duân

>> Tàu vũ trụ của Nhật rời ISS
>> Tàu tiếp tế Nga cập bến ISS sau 6 giờ
>> Tàu Dragon lắp ghép thành công với ISS
>> Phi thuyền tư nhân đầu tiên trực chỉ ISS
>> NASA mở cuộc thi đặt tên cho tiểu hành tinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.