Trách nhiệm quản lý

11/10/2012 03:35 GMT+7

Lâu nay, chúng ta quen nghe chuyện thủy điện “nuốt” rừng chứ không nghĩ rằng nhà máy xi măng cũng có thể ngốn hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh.

Chuyện xảy ra tại tỉnh Tây Ninh - một địa phương hiếm hoi ở Nam bộ có rừng nguyên sinh còn tồn tại. Phá rừng là khái niệm không lạ, đã diễn ra trên khắp cả nước, nơi thì do lâm tặc phá, chỗ thì do thủy điện thực hiện, nhưng phá rừng để làm nhà máy xi măng thì chưa thấy bao giờ. Những ngày qua, công luận đã lên tiếng phản đối chuyện phá rừng trên đây, trong đó mũi dùi đã chĩa thẳng vào nhà doanh nghiệp. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ.

Vậy chĩa vào đâu cho chính xác đây? Ai cũng biết trước khi triển khai dự án của mình tại một địa phương nào đó, bao giờ doanh nghiệp cũng trình phương án, trong đó họ không thể bỏ qua về tác động của môi trường một khi dự án vận hành. Việc phải khai tử hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh nơi đầu nguồn hồ Dầu Tiếng là điều mà chủ đầu tư không thể không đề cập đến trong “giải trình” của mình. Để có thể tiến hành triển khai dự án, chủ đầu tư đã phải trải qua rất nhiều “cửa ải” với đủ các loại con dấu vuông tròn và nhiều “soi rọi” khá chi li của đủ ngành đủ cấp. Mà “con dấu” cuối cùng để cho phép triển khai dự án, không ai khác là của UBND tỉnh.

Thật khó để quy hoàn toàn trách nhiệm trong câu chuyện phá rừng này cho nhà đầu tư. Vì rằng, với doanh nghiệp, lợi nhuận bao giờ cũng là đích ngắm cuối cùng. Nhưng sinh ra anh quản lý - tức chính quyền địa phương - là để làm cái việc giám sát và cân đối hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, vậy mà trong trường hợp này, chính quyền hầu như phớt lờ những ý kiến của các nhà khoa học. Cụ thể ở đây là những phản biện và cảnh báo chí lý về tác động môi sinh từ việc phá rừng nguyên sinh ở Dầu Tiếng qua cuộc hội thảo do Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái.

Câu chuyện về trách nhiệm của nhà quản lý không chỉ xảy ra tại Tây Ninh mà hầu như nơi nào cũng có. Người dân vùng ven biển hai tỉnh Phú Yên và Bình Định đang phải trả giá cho những tấm giấy phép của chính quyền địa phương cấp cho doanh nghiệp khai thác ti tan ồ ạt mấy năm qua, phá tan hoang những cánh rừng chắn cát ven biển.

Tương tự, người dân vùng Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế cũng đang gánh chịu hậu quả của việc phá 250 ha rừng dẻ hàng trăm năm tuổi để doanh nghiệp làm sân golf và khu nghỉ dưỡng. Rồi người dân cả nước cũng đang gồng mình chịu đựng với những túi bom nước khổng lồ của các công trình thủy điện đã và đang treo lơ lửng trên đầu họ khi có đến hàng chục ngàn héc ta rừng bị phá để “nhường sân” cho thủy điện mọc lên.

Tất cả những vụ phá rừng do làm thủy điện, do làm sân golf và nhà nghỉ dưỡng cùng bao nhiêu dự án khác đều được các cấp chính quyền địa phương “cho phép” chứ không phải nhà doanh nghiệp tự ý làm. Nhưng buồn thay, một khi người dân có mệnh hệ gì từ việc “cho phép phá rừng” kia thì không một nhà quản lý nào đứng ra nhận trách nhiệm cả!

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.