Nhiễm xạ tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận

11/10/2012 03:30 GMT+7

Kết quả phân tích sai hình nhiễm sắc thể của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) cho thấy có 6/11 bác sĩ (BS), kỹ thuật viên của Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bình Thuận có dấu hiệu bị ảnh hưởng phóng xạ.

Có một trường hợp bị nhiễm xạ ở mức liều cao 30 mSv (mức cho phép chỉ 20 mSv), 2 trường hợp dưới mức cho phép (dưới 10 mSv). Kết luận của Viện Hạt nhân Đà Lạt còn nêu: "Trong số 11 mẫu được xét nghiệm thì có 6 đối tượng có loại sai hình hiếm gặp, liên kết tạo cánh”.

Theo một số BS công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, thì cơ sở vật chất của phòng đặt máy chiếu tia X của BVĐK Bình Thuận không đạt yêu cầu. Một BS của Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: "Cửa phòng chụp X-Quang bao giờ cũng phải làm cửa lùa vào bên trong thì mới ngăn được tia X, nhưng BV thiết kế lùa ra bên ngoài nên không an toàn. Điều này chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên ban giám đốc nhưng chưa được khắc phục".


Với những kỹ thuật làm trực tiếp, kỹ thuật viên và bác sĩ phải mặc áo chì - Ảnh: Thanh Tùng
 

Ngay tại phòng mổ của BVĐK Bình Thuận hiện có đặt một máy siêu âm (C.ARM) cũng có nhiều ý kiến cho rằng không hợp lý. Chức năng của máy này giúp cho kỹ thuật viên đọc được đúng và chính xác điểm gãy xương của bệnh nhân và xử lý chính xác các đốt gãy mà không cần phải đưa bệnh nhân ra khỏi phòng mổ đi siêu âm. Tuy nhiên, một BS cho biết: "Máy C.ARM phát ra tia bức xạ rất mạnh, nhưng được đặt trong phòng không có bức tường chì. Do đó, nguy cơ nhiễm xạ không chỉ cho các BS đứng mổ, mà có thể ảnh hưởng đến các phòng bên cạnh và cả bệnh nhân nằm điều trị".

Bà Trịnh Thị Cảnh, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - Sở hữu trí tuệ và An toàn bức xạ (Sở KH-CN Bình Thuận), cho biết. “Về nguyên tắc, trước khi vận hành 7 ngày, BVĐK Bình Thuận phải báo cáo Sở KH-CN để được cấp phép. Theo thông tin chúng tôi kiểm tra thì hiện chiếc máy này (C.ARM) vẫn chưa được cấp phép hoạt động dù đã đưa vào sử dụng mấy tháng nay. Đây là loại máy phát ra tia X, không chỉ các BS vận hành, mà ngay cả những người trợ giúp cho bệnh nhân cũng phải mặc áo chì. Những phòng có máy chiếu tia X như vậy thì bên ngoài phải có nội quy cảnh báo để người không phận sự không được đến gần khi máy đang hoạt động. Việc đặt chiếc máy trong phòng không có bức cản chì là rất nguy hiểm và vi phạm quy định của nhà nước”.

Có thể gây ung thư, vô sinh

BS Đào Văn Trung, Trưởng khoa Chẩn đoán BV Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết theo nguyên tắc, các phòng chụp phải đảm bảo an toàn bức xạ - phòng ốc, cửa nơi đặt máy móc chụp chiếu có liên quan đến bức xạ phải được thiết kế (thường có lớp chì bên trong để hấp thụ tia phóng xạ).

Các kỹ thuật viên, BS làm ở bộ phận có sử dụng những máy móc chụp chiếu liên quan đến phóng xạ phải đeo liều kế nhằm kiểm soát liều lượng phóng xạ nhiễm vào cơ thể.

Theo các chuyên gia, tác hại của bức xạ có thể gây vô sinh, suy giảm bạch cầu, sinh con dị dạng, quái thai, ung thư, hoặc nhẹ thì gây mẩn cảm dị ứng. Hiện rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đưa máy chụp chiếu đến thẳng các cơ quan, đơn vị để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Lúc này, không có phòng chụp theo đúng tiêu chuẩn, nguy cơ phóng xạ phát ra rất nhiều. 

Thanh Tùng

Quế Hà

>> Bướm bị đột biến do phóng xạ Fukusima
>> Bụi mặt trăng chứa đầy phóng xạ
>> Camera "đo" mức độ nhiễm phóng xạ
>> Căn phòng xả stress
>> Nhốt" khí phóng xạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.