Lạc nhịp

10/10/2012 03:00 GMT+7

Do gần như được độc quyền định giá nên các doanh nghiệp xăng dầu một lần nữa lại trù trừ, kéo dài thời gian phải giảm giá, bất chấp giá thế giới đã giảm mạnh.

Theo thông tin trên website của Petrolimex, so với thời điểm tăng giá xăng dầu gần đây nhất (28.8), giá xăng RON 92 tại Singapore đã giảm 4,4%; riêng giá dầu diesel giảm gần 5%; dầu hỏa giảm 4,4% và dầu mazut giảm 6,7%.

Kể từ ngày 28.9 đến nay thì giá giảm liên tục. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ động thái nào từ phía các DN xăng dầu và cơ quan quản lý về việc giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm “theo giá thế giới”. Thậm chí theo thông báo của Bộ Tài chính phát đi ngày hôm qua, với giá thế giới như hiện nay, DN xăng dầu trong nước còn đang lỗ!

Đây không phải lần đầu tiên giá xăng dầu bán lẻ trong nước lạc nhịp với giá xăng dầu thế giới. Khi giá thế giới tăng, DN đề nghị tăng giá rất nhanh (có giai đoạn 1 tháng tăng giá tới 3 lần), nhưng khi giá giảm thì dường như DN tìm mọi cách để trì hoãn.

Sự bất cập trong điều hành giá xăng rất rõ ràng, nó đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dung túng độc quyền nhóm. Hiện tại Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính và Công thương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sao cho “phù hợp với nền kinh tế”. Quan điểm chỉ đạo “phù hợp với nền kinh tế” rất quan trọng trong trường hợp này, bởi lẽ, Nghị định 84 đã bất cập ngay khi xác định nguyên tắc. Để quản lý hiệu quả cần phải xác định chính xác thị trường xăng dầu hiện nay có phải thị trường độc quyền hay không. Điều này vô cùng quan trọng vì tùy tính chất thị trường mới có hình thức phù hợp.

Một nguyên tắc bất di bất dịch, mặt hàng độc quyền sẽ do nhà nước định giá. Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự thì giá cả sẽ do thị trường quyết định. Khi đặt vấn đề sửa Nghị định 84 thì quan trọng nhất là phải  xem lại cơ cấu giá xăng dầu và quyết định nhà nước hay DN được tự định giá.

Thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nó thể hiện ở chỗ một vài DN nhập khẩu đầu mối chiếm thị phần chi phối. Như vậy, không thể để DN đầu mối muốn làm gì thì làm như hiện nay.

Theo quy định hiện hành, việc tăng/giảm giá xăng dầu trước tiên do các DN đề xuất. Vì vậy, các DN nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không dại gì tự “xin” giảm giá để giảm lợi nhuận. Do đó, các cơ quan chức năng chưa thúc ép thì giá bán lẻ xăng dầu chưa thể giảm. Tất cả thiệt thòi đổ dồn vào người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Sự nghi ngờ của người tiêu dùng về lợi ích nhóm chi phối thị trường xăng dầu không phải là không có cơ sở. Khi mà các DN kinh doanh xăng dầu luôn kêu lỗ, khiến cho cả ngân sách nhà nước và người tiêu dùng đều phải bỏ tiền vào quỹ bình ổn để hỗ trợ, bù lỗ cho DN để họ khỏi tăng giá, trong khi kiểm toán lại chỉ ra điều ngược lại. DN và cơ quan quản lý luôn luôn “đồng thuận”, trong khi các nước trên thế giới đều rất nghiêm ngặt trong kiểm soát để tránh tình trạng vận động để được tăng giá bán.

Vì lợi ích của nền kinh tế và quyền lợi của người tiêu dùng, các câu hỏi tại sao DN lại được quyền tự định giá trong một thị trường độc quyền? Tại sao Quỹ bình ổn giá lại để DN, do DN tùy sử dụng? Tại sao lại đưa lợi nhuận định mức vào giá cơ sở khiến cho tình trạng lỗ, lãi của DN luôn là ẩn số?... cần phải được quản lý nhà nước trả lời một cách thẳng thắn.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.