Quá nhiều kẽ hở trong thu hồi đất

09/10/2012 09:56 GMT+7

(TNO) Có 6 nút thắt lớn trong luật Đất đai hiện hành cần phải tháo gỡ khi sửa đổi luật lần này được luật gia Vũ Xuân Tiền chỉ ra khi góp ý hoàn thiện dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại Hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp cho dự luật này được tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) sáng nay 9.10.

>> Thảo luận về luật Đất đai, Thuế thu nhập cá nhân...
>> Sửa luật Đất đai: Dân đang trông đợi từng ngày, từng giờ
>> Lùi thời hạn trình luật Đất đai sửa đổi
>> Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai

Theo đánh giá của luật gia Vũ Xuân Tiền, sau gần 10 năm thi hành, luật Đất đai năm 2003 tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng bộc lộ “những bất hợp lý rất lớn”.

Đáng nói là những bất hợp lý này chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ trong dự thảo luật sửa đổi. Ông Tiền phân tích: Luật Đất đai hiện hành có quá nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Theo ông iền, những kẽ hở của luật cộng hưởng với nạn tham nhũng đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ khiếu nại tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người của người dân.

Luật gia này chỉ ra nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng khiếu nại tố cáo về đất đai gia tăng trong 10 năm qua “đó là chúng ta đã đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thu hồi đất, là luật Đất đai hiện hành đã cho phép sử dụng quá giới hạn biện pháp thu hồi đất bằng các quyết định hành chính”.

Vì vậy, “một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của việc sửa luật Đất đai là xóa bỏ một cách triệt để những nguyên nhân (từ quy định của pháp luật) dẫn đến các khiếu nại tố cáo về đất đai”, ông Tiền nhấn mạnh.

Giải pháp cho cơ chế thu hồi đất theo đề xuất của luật gia này là cần thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Cơ sở pháp lý của kiến nghị này đã được nêu rõ trong Điều 23 của Hiến pháp năm 1992.

Ngoài ra, cần quy định rõ “việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp do vi phạm pháp luật đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện; do việc trưng mua không thực hiện được theo quy định của luật Trưng mua, trưng dụng tài sản được thông qua năm 2008”.

Cùng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị không nên quy định giá bồi thường đất theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường vì giá thị trường là giá thỏa thuận cho từng khoảnh đất tại địa điểm xác định vào thời điểm xác định, trong khi giá bồi thường áp dụng cho một khu vực trong một khoảng thời gian.

Vì vậy, nên thay thế nguyên tắc này bằng nguyên tắc “giá công bằng”, tức là giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích do dự án phát triển đất đem lại.

Ngoài nút thắt cần gỡ trong cơ chế thu hồi đất, giá bồi thường nói trên, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng còn 5 nút thắt khác cần tháo gỡ, đó là việc xác định giá đất bất hợp lý, thiếu minh bạch hiện nay; việc phân cấp quản lý về đất đai quá rộng; quy định về tiền sử dụng đất không hợp lý; hạn mức giao đất nông nghiệp manh mún; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá nhiều, chắp vá, chồng chéo…

Theo ông Tiền, những vấn đề nêu trên cũng chính là những “nút thắt” cần được tháo gỡ khi sửa luật Đất đai. “Việc sửa luật Đất đai sẽ không có tác dụng gì trong cuộc sống, nếu chưa tháo gỡ được những nút thắt nêu trên. Tiếc thay, dự thảo Luật sửa đổi chưa đáp ứng được đòi hỏi nêu trên”, luật gia này nhận xét.

TS Phạm Sỹ Liêm thì cho rằng, dự thảo luật Đất đai sửa đổi như đã trình vừa rồi không đáp ứng được đòi hỏi của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI là “phải sửa đổi luật Đất đai năm 2003 một cách toàn diện”.

“Do tầm quan trọng của luật, tôi đề nghị Quốc hội lập ra và trực tiếp chỉ đạo một ban soạn thảo khác, gồm các chuyên gia giỏi cả nước trong lĩnh vực đất đai, được tập trung làm việc trong 6 tháng để soạn thảo một dự thảo mới kịp thời đưa ra cho mọi người góp ý kiến rộng rãi”, ông Liêm đề nghị.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.