"Giờ thứ 25": Giờ nói thật

04/10/2012 03:10 GMT+7

Thơ là sáng tạo, tưởng tượng, nhưng thơ yêu cầu sự trung thực đến tận cùng của nhà thơ. Trung thực với chính mình, với mỗi câu chữ mà mình viết.

Chính sự vô tư, vô vị lợi của thơ đã dẫn tới yêu cầu khắc nghiệt ấy. Thơ trong sáng tới mức mọi sự tối ám đều phải tự tố cáo mình ngay giữa những dòng thơ, dù đó là những dòng thơ đầy khoảng tối, đầy bóng tối.

Giờ thứ 25

Tôi đọc thơ Phạm Đương đã khá lâu, từ lúc Đương mới làm những bài thơ đầu tiên trên ghế trường đại học. Cho tới khi Đương đi bộ đội, sống những năm tháng gian nan đời lính, và từ đó có thơ nhiều hơn. Một phẩm chất đầu tiên mà tôi đánh giá cao ở thơ Phạm Đương là thơ ấy rất trung thực. Không phải nói huỵch toẹt, nói trắng phớ ra cả, “thành thật khai báo” ra cả mới là trung thực. Sự trung thực của thơ nằm ở tâm hồn nhà thơ, đôi khi nằm ở ngay những khoảng lặng, khoảng tối những vùng mờ giữa các dòng chữ… Bộc lộ những khoảng tối, những vùng mờ ấy bằng ngôn ngữ và nghệ thuật thích ứng, hoặc “nói là không nói”, để chúng tự hiện lên, thì đó là thơ. Và là thơ trung thực.

Kim đồng hồ nhích dần đến khoảng tối
nơi tôi có thể gặp lại khuôn mặt của mình
sau một ngày sắm vai kẻ khác
chợt một ngôi sao vụt tắt
băng qua đời tôi những nát vụn đớn hèn” (Những mảnh vỡ)

Ai cũng có lúc trong đời phải “sắm vai kẻ khác”, nhưng để nói ra được điều đó thì không phải ai cũng có thể.

Xin nhè nhẹ tay tí em
cánh cửa không có lỗi
đừng tưởng tượng anh là cánh cửa” (Nhè nhẹ)

Dĩ nhiên, thơ cũng không hẳn là cánh cửa, dù thơ có thể chịu đựng thay cho người làm thơ. Lâu nay chúng ta hay nói thơ phải “đi vào cuộc sống”, nhưng đi vào như thế nào? Nếu không tự trung thực với chính mình, thì thơ dù có đi vào cuộc sống hay đi tới cung trăng, thơ ấy cũng không cần thiết với con người. Xu hướng tự thú là một dòng lớn trong thơ trữ tình của nhân loại từ xưa tới nay, nhưng tới thời hiện đại này nhu cầu ấy có vẻ càng trở nên riết róng. Khi mọi cuộc kiểm điểm hay phê bình chỉ còn là hình thức, thì sự tự thú trong thơ mang vẻ đẹp can trường của con người.

Và tôi hiểu, vì sao Phạm Đương chọn tên tập thơ mình là Giờ thứ 25. Bởi đó là giờ ảo, giờ của Thơ, và là giờ của sự thật, giờ của sự tự thú. Và cũng là giờ kiếm tìm sự đồng cảm. Thơ sẽ chết ngay nếu không tìm được sự đồng cảm. Và khi đã có tri âm, đã mở được kênh giao cảm, thơ có thể yên lòng: ít nhất, đã có người hiểu mình, đồng cảm với mình. Tôi nghĩ, tập thơ Giờ thứ 25 của Phạm Đương chắc đã và sẽ tìm được sự đồng cảm, tìm được tri âm. Vì, thơ ấy thật lòng. Thơ ấy biết nói vào những giờ phút khó nói nhất.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.