Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng với những quyết sách mới

02/10/2012 03:25 GMT+7

Sáng 1.10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

>> Khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Theo chương trình, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Chính sách, pháp luật về đất đai; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI  
Khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI - Ảnh: TTXVN

 

Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đang được toàn Đảng tập trung triển khai thực hiện rất tích cực theo đúng kế hoạch, lộ trình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo ráo riết và chặt chẽ; đồng thời đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân một cách nghiêm túc theo đúng quy định.

-  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ít có hội nghị trung ương nào có nhiều nội dung và dự kiến họp dài ngày như hội nghị lần này. Những vấn đề hội nghị sẽ bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp. Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần phải tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Tổng bí thư đã gợi mở 3 nhóm vấn đề để hội nghị tập trung thảo luận cho ý kiến, cụ thể về: Kinh tế - xã hội; Phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và một số vấn đề về xây dựng Đảng.

Tập trung ưu tiên hơn cho ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô

Về kinh tế - xã hội, Tổng bí thư đề nghị, trung ương cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém đang tồn tại; và chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới với tinh thần thật sự khách quan, khoa học, toàn diện. Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo Tổng bí thư, sắp tới, chúng ta vẫn phải quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát nhưng tập trung ưu tiên nhiều hơn cho ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Về đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là vấn đề lớn và khó, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tổng bí thư đề nghị trung ương tập trung cho ý kiến những vấn đề quan trọng như: cơ cấu lại lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; vấn đề đổi mới mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp nhà nước; vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước... Từ đó, đề ra chủ trương biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới.

Về vấn đề đất đai, Tổng bí thư nêu rõ việc cần tập trung thảo luận kỹ để đi đến thống nhất ban hành nghị quyết của trung ương định hướng cho việc nghiên cứu sửa đổi luật Đất đai. Chú ý tiếp tục hoàn thiện các quy định về giá đất theo hướng giá đất do Nhà nước xác định trên nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án sản xuất, kinh doanh; việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường và việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ

Đề cập về vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, Tổng bí thư khẳng định: Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổng bí thư chỉ rõ: cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan tình hình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cũng như tình hình phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ trong 16 năm qua, qua đó khẳng định những thành tựu, kết quả đã đạt được, chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém còn tồn tại; làm rõ vì sao giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển... Trên cơ sở đó, khẳng định những quan điểm lớn, quan trọng đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đến nay còn đúng, cần tiếp tục thực hiện; đồng thời bổ sung, phát triển các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới, nhất là những nội dung đổi mới có tính đột phá, căn bản, toàn diện.

Tổng bí thư gợi mở: Trên cơ sở đó đổi mới căn bản cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới đồng bộ hệ thống giáo dục - đào tạo và nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ; đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tôn vinh đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý, nhất là những nhân tài đúng với tinh thần "hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Về công tác xây dựng Đảng, Tổng bí thư nhấn mạnh: Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; do đó công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Và trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Tại hội nghị này, trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể mà chủ yếu tập trung cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung của việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nội dung công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bao gồm: yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy hoạch; số lượng, cơ cấu của quy hoạch; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định nguồn quy hoạch; quản lý và thực hiện quy hoạch… Sau khi trung ương thống nhất về những vấn đề quan trọng này và Ban Chấp hành trung ương ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cụ thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15.10.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.